Chi phí đè nặng
Tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), thừa nhận đúng là giá vé có tăng từ 15-20%; nhưng ông cho rằng mức tăng này còn xa so với giá trần. Giá vé phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá Nhà nước quy định, có chặng chỉ đạt 43%.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả hãng hàng không.
Ví dụ với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng giám đốc thương mại của Vietjet Air, cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến giá vé máy bay cao chót vót như vừa qua. Đó là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid-19, làm giảm 15-20% số lượng tàu bay.
Theo ông Trương Việt Cường – Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways – chi phí lớn nhất bao gồm chi phí bay, nhiên liệu bay, thuê động cơ, chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không, các hãng buộc phải chấp nhận theo mặt bằng giá thế giới.
“Không may chi phí đẩy gần đây tăng rất cao, lên tới 50%, thậm chí trên 90%, gây bất lợi đối với các hãng. Trong khi đó, việc thiếu hụt tàu bay, thuê ướt đã khó, lại bị hạn chế số lượng tàu bay thuê”, ông Cường nói.
Ông Trương Việt Cường dẫn chứng, Bamboo Airways muốn thuê một tàu bay (thuê ướt) với giá dưới 3.000 USD/giờ khai thác bay, nhưng chỉ vài tháng sau để kiếm một tàu bay với giá 4.000-4.500 USD/giờ đã rất khó. Thuê khô còn khó khăn hơn. Đấy là yếu tố mà các hãng hàng bay nội địa không thể tác động để kiểm soát được.
Thuê máy bay đã khó, lại còn khá nhiều quy định đang “trói” doanh nghiệp. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietravel Airlines, cho hay, quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được thuê ướt 30% trên tổng số máy bay hiện có. Như Vietravel Airlines có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được 1 tàu. Đây là rào cản khi hãng muốn thuê thêm tàu để tăng tải cung ứng vào giai đoạn cao điểm.
Vừa tìm cách hạ nhiệt, vừa lo ‘sống chung với giá’
Liên quan đến việc một vé máy bay hiện nay được cho là phải cõng nhiều loại thuế, phí, ông Nguyễn Cao Cường – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) – chia sẻ, theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải, ACV đang thu 4 nhóm chi phí: dịch vụ hạ cất cánh; dịch vụ hành khách và đảm bảo an ninh; dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền và nhóm dịch vụ kỹ thuật mặt đất.
Tổng 4 nhóm giá dịch vụ này, ACV thu khoảng 118.000-120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ Nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đỗ Hồng Cẩm, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), cho rằng giá vé máy bay tăng từ 10-20% nhưng cơ quan này cũng xem xét ở cả góc độ mức giá đó có vượt quá sức chịu đựng của thị trường, của khách hàng hay không? Theo ông, ở góc độ này, dải giá vé thấp vẫn chiếm từ 60-70% tổng số vé và mức giá ở mức đa số khách hàng có thể tiếp cận được. Sự bức xúc của khách hàng nằm ở phân khúc giá cao.
Đến thời điểm này, ông Cẩm khẳng định giá vé máy bay đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng bay sẽ tiếp tục ngồi với nhau để tìm cách giảm giá vé. Dù vậy, giá vé giảm những gì và giảm như thế nào là vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể và cần sự phối hợp vào cuộc giữa các bên liên quan.
“Giá vé máy bay đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong những dịp cao điểm nghỉ lễ sắp tới và nghỉ hè, giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay, đồng lòng hợp sức từ phía các hãng cũng như các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước”, vị đại diện Cục Hàng không nói.
Dưới góc độ kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên – Chủ tịch HĐTV Lữ hành Saigontourist – cũng kiến nghị, giải quyết bài toán khi giá vé máy bay tăng, các công ty lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, nhà hàng cần ngồi lại với nhau để mức giá tour tăng 10% như hiện nay có thể giảm xuống mức tăng 3-5% được không?
Chẳng hạn, thay vì bay 8-10 giờ sáng thì bay vào những giờ không đẹp lắm như chiều, tối. Khách du lịch sẽ bị mất điểm tham quan nhưng khách có thể ở thêm 1 đêm. Các điểm đến, đặc biệt như tại Phú Quốc, Cam Ranh, Hạ Long,… những nơi có nguồn codotel nhiều, có thể ngồi lại với nhau, làm các combo giá tốt hơn”, ông Yên đề xuất.
Dù khách nội địa giảm tới 36% dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 do giá vé máy bay tới Phú Quốc đắt nhất trong các đường bay nội địa, ông Trần Văn Linh – Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang – cũng cho hay, bản thân doanh nghiệp và địa phương nỗ lực tìm cách khắc phục, tăng xúc tiến quảng bá thu hút khách đi bằng đường bộ. Lãnh đạo địa phương đã làm việc nhiều với các công ty lữ hành, khách sạn, dịch vụ… để xây dựng thêm gói sản phẩm du lịch đường bộ, thay vì chỉ ngồi chờ giá vé máy bay hạ nhiệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, dù chưa có thống kê nhưng chắc chắn khách đường hàng không đến địa phương giảm, có thể giảm sâu. Do vậy, các đơn vị bắt đầu tung ra các gói kích cầu đối với khách nội địa đi bằng tàu lửa, ô tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không.
Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, nhìn nhận trên toàn cầu đang hình thành mặt bằng giá mới và ngành du lịch phải thích ứng với bối cảnh này. Đối với các hãng lữ hành, cần tối ưu hóa chương trình tour từ lịch trình cho tới điểm đến. Cùng với đó, tiếp tục sáng tạo, tính toán, nghiên cứu lộ trình các điểm đến phù hợp nhất. Cần định hướng thị trường, hướng du khách tới những bộ sản phẩm mới, không chỉ giúp giảm tải cho hàng không mà còn đem đến giá thành tốt nhất cho du khách.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tim-cach-song-chung-thay-vi-ngoi-cho-gia-ve-may-bay-ha-nhiet-2281892.html