Theo đó, có hơn 40.000 lượt thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN). Trong đó, hơn 20.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của ĐHBKHN năm nay là học sinh Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Bình) với 96,43 điểm.
Phổ điểm trung bình của cả 6 đợt thi là 53.1 điểm, trong đó có 20 bài thi trên 90 điểm, 177 bài thi trên 80 điểm và gần 1.800 bài thi trên 70 điểm.
Trước đó, ngày 16/6, đợt 6 kỳ thi TSA 2024 được Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng một số trường đại học, học viện tổ chức tại 23 điểm thi tại khu vực Hà Nội; Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Đợt 6 có 3.688 thí sinh tham dự. Thủ khoa đợt 6 là học sinh Trường THPT Kim Sơn A – Ninh Bình với điểm số 86.58.
Đợt 6 có điểm trung bình là 52,75 và với phổ điểm đợt 6 TSA 2024 như sau:
Với mức điểm xét yêu cầu theo phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến là 50, các thí sinh có thể đặt không giới hạn số nguyện vọng vào 64 chương trình đào tạo của nhà trường.
Thời gian 18-30/7, các thí sinh đăng ký các nguyện vọng trên hệ thống đăng ký nguyện vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá tư duy.
Phương thức xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ xét tuyển cùng đợt, dự kiến ngày 17/8 sẽ có điểm chuẩn của 64 chương trình đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2024, đơn vị này có tổng 6 đợt thi, đợt đầu tiên diễn ra vào cuối năm 2023.
Việc nhà trường bố trí kỳ thi diễn ra sớm nhằm giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi, đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Tương tự năm 2023, định dạng cấu trúc bài thi năm nay vẫn gồm 3 thành phần là tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học, giải quyết vấn đề. Cấu trúc thời gian vẫn 60-30-60 phút, thang điểm 100.
Nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học, mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt; đặc biệt, phần tư duy khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động bằng căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh thí sinh, nhằm triệt để chống việc thi hộ và gian lận trong thi cử.
Trao đổi với phóng viên Dân trí trước đó, lãnh đạo một số trường đại học khối y dược cho biết, sẽ sử dụng kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh thay vì tổ chức kỳ thi riêng.
Về điều này ông cho rằng, hiện có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, trường đó chỉ cần đánh giá tổng thể thí sinh về năng lực hoặc tư duy và thấy các em ở một ngưỡng nào đấy đủ năng lực học tập là được.
Ý kiến thứ hai cho rằng, phải có các môn hóa học, sinh học vì đó là nền tảng để có thể học tiếp các môn học vốn rất dài và rất nhiều của ngành y.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dh-bach-khoa-ha-noi-cong-bo-pho-diem-6-dot-thi-danh-gia-tu-duy-20240620105805674.htm