Chị Vi Thị Tuyến, dân tộc Dao, cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Chẽ là một trong những cộng tác viên đã gắn bó nhiều năm nay với Báo Dân tộc và Phát triển. Với vị trí công việc đặc thù, thường xuyên được tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn, chị Tuyến luôn có góc nhìn mới mẻ, độc đáo và khác biệt để lan tỏa những nét đẹp của người Dao nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Ba Chẽ nói chung.
Tất cả đều được chị gửi gắm cho bạn đọc qua những bài viết cho báo Dân tộc và Phát triển, nổi bật như “Cách giữ gìn trang phục truyền thống của người Dao Lô Gang ở Ba Chẽ”, “Bậc thầy trong tục vấn tóc của phụ nữ Dao Thanh Y”, “Trang phục của người Dao Thanh Y và những câu chuyện xưa”… Đây cũng là cách để chị chia sẻ những cách làm hay, những câu chuyện ý nghĩa về vùng đất mà chị đang sinh sống.
“Dù nhuận bút không phải là cao so với các báo khác, nhưng tôi thấy Báo Dân tộc và Phát triển có rất nhiều chuyên mục hay, ý nghĩa và thực tế. Tôi cũng muốn thể hiện những tâm huyết của mình trên mặt báo của báo Dân tộc, góp phần nhỏ đưa tiếng nói lan tỏa văn hóa người DTTS cho cộng đồng”, chị Tuyến chia sẻ.
Bên cạnh đó, Người có uy tín cũng là một trong những cộng tác viên rất quan trọng, cung cấp nhiều nguồn tin sát thực nhất tại các địa phương. Ông Bàn Sinh Vượng, Người có uy tín Khe Lấp, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) là một trong những người như thế.
Còn nhớ, cuối năm 2023, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đến với điểm dân cư Khe Lấp. Tại địa phương ông Vượng đã cung cấp nhiều thông tin chi tiết. Theo ông Vượng vào ngày lũ lớn, cả điểm dân cư bị cô lập hoàn toàn; học sinh phải ở nhà nhiều ngày chờ nước rút vì không ai dám cho con, em mình liều lĩnh băng qua dòng lũ để đến trường.
Không chỉ chia sẻ hết lòng, ông Vượng đã đưa phóng viên đi thực tế, gặp gỡ người dân cũng như Bí thư chi bộ để trải lòng cùng phóng viên…. Dù không viết thành một bài viết thật chuyên nghiệp, nhưng ông đã góp phần để phóng viên có những thông tin rất quan trọng hoàn thiện bài viết. Và cũng từ bài viết phản ánh đó mà tháng 1/2024 vừa rồi, điểm dân cư Khe Lấp đã được phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả huy động vốn, nguồn xã hội hóa làm ngầm tràn, đường mới cho bà con nơi đây.
“Vui lắm! Có ngầm tràn mới, đường mới, cuộc sống người dân sẽ bớt khổ hơn. Cũng rất cảm ơn báo Dân tộc và Phát triển đã góp phần có tiếng nói cùng với các báo khác đưa tiếng lòng của người dân Khe Lấp gửi tới chính quyền địa phương để có được ngày hôm nay”, ông Vượng phấn khởi nói.
Ở Quảng Ninh còn có không ít người là cán bộ các Trung tâm Truyền thông – Văn hoá cấp huyện và các sở, ngành; hay như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh…dù không phải là phóng viên, nhà báo, biên tập viên chuyên nghiệp, nhưng họ rất tích cực tham gia viết báo và đều có sự trăn trở, tâm huyết với những tác phẩm của mình.
Là cán bộ phòng Trung tâm Truyền thông, Văn hóa huyện Bình Liêu, chị La Thị Lành, dân tộc Tày đã nỗ lực đạt nhiều giải: Giải C Búa Liềm Vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2023, Giải C Báo chí tỉnh Quảng Ninh năm 2021 hay các giải tại Liên hoan nghiệp vụ báo chí…Tuy nhiên, điều khiến chị vui hơn cả, là bằng ngòi bút của mình, chị đã góp sức tạo nên tiếng nói , tiếng lòng của người dân vùng khó, vùng sâu vùng xa…
Chị Lành chia sẻ, còn nhớ kỷ niệm năm 2018, từ trung tâm thị trấn chị cùng chị Hoàng Thị Gái đến thôn Sam Quang, xã Đồng Tâm – một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu lúc này. Theo dự định hai chị em mất gần một tiếng đồng hồ mới vào đến thôn bởi hôm ấy mưa to, lầy lội. Ngày ấy chị đang mang bầu tháng thứ 7, dù đặt ra quyết tâm vào thôn, nhưng nghĩ lại quãng đường đi hôm đó, đến giờ nghĩ lại chị vẫn thấy sợ.
“Thế mới hiểu cảm giác của người dân nơi đây. Đi bộ phải bấm chân vào dép để khỏi trượt ngã, đi xe thì lạch từng gập đường, nhiều khi cảm giác như bánh xe rời ra vậy. Đi lại còn khó khăn thế này, huống hồ gì lo làm ăn. Mình thấy thì viết , muốn để độc giả cảm thông, chính quyền vào cuộc tích cực. Mấy năm nay, đường bê tông đẹp lắm rồi, giờ đi làm qua đấy thấy vui vui”, chị Lành nói thêm.
Họ – những nhà báo không chuyên công tác ở nhiều lĩnh vực, địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, song tất cả đều có chung một niềm đam mê đặc biệt với nghề báo…Họ không chỉ viết tin, bài phản ánh thời sự, mà còn có những kiến nghị, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của cơ sở; qua đó giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương có thêm thông tin, cơ sở trong việc hoạch định, thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng DTTS.
Theo thống kê của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh: Mỗi Trung tâm Truyền thông – Văn hoá cấp huyện trung bình có từ 5 đến 7 người làm công tác phóng viên. Những đơn vị thành phố, thị xã thì có số lượng từ 10 đến 15 người (gồm cả kỹ thuật viên và phát thanh viên).
Các sở, ngành của tỉnh có bộ phận truyền thông, trung bình có từ 3 đến 5 người làm công tác phóng viên nhưng không thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, đội ngũ này có thể tác nghiệp đa phương tiện, trong đó, có không ít người bằng tâm huyết, trách nhiệm đã có những tác phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi, giải báo chí của tỉnh và Trung ương.
Qua trao đổi với họ, chúng tôi cảm nhận, trong đội ngũ “nhà báo” không chuyên này có rất nhiều người đam mê công việc, họ không ngại khó khăn, luôn tự học tập để có được những bài báo được đăng tài và lan tỏa trong cộng đồng.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tham-lang-nhung-nha-bao-khong-chuyen-1718725370655.htm