Vì sao ô tô bán tải lại xếp vào nhóm xe tải?
Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc vì sao xe bán tải của gia đình không kinh doanh vận tải nhưng lại không được hưởng chính sách tự động gia hạn đăng kiểm.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, dù theo Quy chuẩn 41/2019/BGTVT – Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia Việt Nam về báo hiệu đường bộ, các dòng xe bán tải, xe van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg sẽ được xem là xe con; nhóm xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên sẽ được xếp vào nhóm ô tô tải.
Nhưng quy định này chỉ được sử dụng để phân luồng và quy định về thời gian, điều kiện tham gia giao thông của các phương tiện trên đường, không được sử dụng trong đăng kiểm xe cơ giới.
Mặt khác, trong đăng kiểm ô tô việc phân loại phương tiện sẽ quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam 7271 – Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng (gồm các phiên bản TCVN 7271: 2003; Sửa đổi 1:2007 TCVN 7271:2003 và Sửa đổi 2:2010 TCVN 7271:2003).
Được biết, ở Việt Nam dòng xe con pick up không nhiều vì đắt đỏ, có thể kể đến một số dòng như Ford F – 150 hoặc Ram 1500. Dòng xe này sẽ không bị áp niên hạn như xe tải nên chu kỳ đăng kiểm, phí kiểm định và cấp biển sẽ được áp như xe con.
Với hầu hết các mẫu bán tải phổ thông ở Việt Nam như Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Mazda BT-50, Nissan Navara, Isuzu D-Max có các đặc điểm thỏa mãn mục 3.2.7 và 3.2.8 (trang 8) của TCVN 7271 nên đều thuộc nhóm ô tô chở hàng pick up cabin kép (xe tải).
Cụ thể, theo mục 3.2.7 và 3.2.8 (trang 8) của TCVN 7271 quy định, ô tô tải pick up cabin đơn và ô tô tải pick up cabin kép có: Thùng hàng dạng hở (có thể có mui phủ) hoặc dạng kín, có thể liền hoặc không liền thân với ca bin, có bố trí cửa để xếp, dỡ hàng. Thùng hàng không có trang bị tiện nghi và nội thất phục vụ chở người. Tổng khối lượng hàng hóa cho phép chở (mh) phải lớn hơn tổng khối lượng của số người cho phép chở, đảm bảo tỷ lệ khối lượng người trên khối lượng hàng hóa không lớn hơn 80%. Cabin có bố trí một hàng ghế đối với xe có cabin đơn và 2 hàng ghế đối với ca bin kép (số người cho phép chở tối đa dưới 5 người).
Ngoài ra, tại mục 3.1.1 (trang 4) của TCVN 7271.2003 cũng định nghĩa: Ô tô pick up chở người có ít nhất một đặc điểm khác với ô tô pick up chở hàng nêu tại 3.2.7 và 3.2.8 của TCVN 7271 sẽ được gọi là ô tô con.
Thông thường, trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại xe cơ giới sẽ ghi rõ dòng xe tải pick up có tên gọi là ô tô tải pick up cabin đơn hoặc ô tô tải pick up cabin kép.
Chính vì thế, ô tô bán tải sẽ không được áp dụng chính sách tự động gia hạn đăng kiểm (vốn chỉ áp dụng cho ô tô con chở người dưới 9 chỗ không đăng ký kinh doanh vận tải).
Chu kỳ đăng kiểm xe bán tải thế nào?
Vì được xếp vào nhóm xe tải nên các mẫu xe bán tải phổ thông ở Việt Nam sẽ có chu kỳ đăng kiểm giống xe tải.
Cụ thể, Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023 và Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ quy định, xe bán tải có thời hạn sản xuất đến 7 năm sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu 24 tháng (miễn đăng kiểm lần đầu), chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 12 tháng.
Đối với xe bán tải có thời hạn sản xuất trên 7 năm, chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng/lần.
Trường hợp xe bán tải có cải tạo, chu kỳ đăng kiểm đầu là 12 tháng (không được miễn đăng kiểm lần đầu) và chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
Ngoài ra, loại xe này cũng được áp dụng quy định về niên hạn sử dụng như xe tải là 25 năm, kể từ ngày sản xuất xe.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/o-to-ban-tai-co-chu-ky-dang-kiem-ra-sao-192240622114620234.htm