Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Med, trong đó các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ UK Biobank, một cơ sở dữ liệu y sinh lớn và nguồn nghiên cứu theo dõi mọi người trong thời gian dài để tìm hiểu về bệnh béo phì.
Di truyền góp phần gây ra béo phì
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Mattia Frontini, thành viên của Quỹ Tim mạch Anh và là phó giáo sư về sinh học tế bào tại Đại học Exeter (Vương quốc Anh) cho biết trong một email: “Nguyên nhân béo phì rất phức tạp và trong phần lớn các trường hợp là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm thấy một yếu tố di truyền rõ ràng làm kích hoạt bệnh béo phì”.
Các nhà nghiên cứu so sánh dữ liệu từ những người có hai bản sao bị lỗi của một gen cụ thể (SMIM1) và những người không có hai bản sao bị lỗi. Theo nghiên cứu, phụ nữ có đột biến gen cân nặng thêm 4,6 kg và đàn ông có biến thể cân nặng thêm 2,4 kg.
Frontini cho biết, các bản sao bị lỗi của gen SMIM1 làm giảm chức năng của tuyến giáp và giảm tiêu hao năng lượng, “điều đó có nghĩa là với cùng một lượng thức ăn, năng lượng được sử dụng sẽ ít hơn và lượng năng lượng dư thừa này sẽ được dự trữ dưới dạng chất béo”.
Theo tiến sĩ Philipp Scherer, giám đốc Trung tâm Tiểu đường Touchstone tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, mối tương quan không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà nghiên cứu này còn xác định một đột biến gen cụ thể. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra trong nghiên cứu. Ông Scherer không tham gia vào nghiên cứu.
Scherer nói: “Đây là một nghiên cứu thú vị vì đã đưa một gen mới lên bản đồ. Đó là một gen thực sự, chứ không phải chỉ là một gen có đột biến ở đâu đó mà chúng ta không hiểu. Chúng ta đang xem xét một gen mà ta có thể nghiên cứu thêm”.
Phát hiện di truyền này là “khá hiếm”
Frontini cho biết, phát hiện di truyền đặc biệt này không áp dụng cho một lượng lớn người mắc bệnh béo phì. Chỉ khoảng 1 trên 5.000 người có cấu trúc di truyền này.
“Điều đó khá hiếm, nhưng khi nhân con số với dân số 10 (triệu), 15 triệu, sẽ có kha khá người ngoài kia mang đột biến này, và có thể không nhận thức đầy đủ về thực tế là có một gen di truyền giải thích cho việc họ vật lộn với chứng béo phì”, Scherer nói.
Rối loạn chức năng tuyến giáp là phổ biến, ảnh hưởng gần 2% dân số ở Anh, theo Frontini. Và rối loạn chức năng tuyến giáp được điều trị thường xuyên bằng một loại thuốc tương đối rẻ tiền.
Bước tiếp theo trong nghiên cứu là tìm hiểu xem những người có đột biến SMIM1 có đủ điều kiện để điều trị tuyến giáp bằng thuốc hay không, ông nói thêm.
Frontini cho biết: “Nếu họ có đủ điều kiện, chúng tôi dự định tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để xác định xem liệu họ có được hưởng lợi từ việc điều trị hay không. Hy vọng là họ sẽ được hưởng lợi, và chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của họ bằng cách sử dụng phương pháp điều trị an toàn, rẻ tiền”.
Càng nhịn, càng thèm
Cân nặng không chỉ là vấn đề thuộc về ý chí hay sự lười biếng. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận, kích thước và hình dạng cơ thể của bạn được xác định bởi nhiều yếu tố.
Bạn có thể kiểm soát một số yếu tố, và một số thì không. Trong số các yếu tố này có thói quen sinh hoạt, thời gian ngủ, thuốc men, các vấn đề sức khỏe, nơi bạn sống và làm việc, cũng như di truyền, theo viện nghiên cứu.
Brooke Alpert, một chuyên gia dinh dưỡng và là tác giả sách “Giải độc chế độ ăn kiêng: Tại sao chế độ ăn kiêng của bạn lại khiến bạn béo và phải làm gì với nó“, cho biết chế độ ăn hạn chế nghiêm ngặt không phải là câu trả lời.
Tìm cách xa lánh thức ăn quá mức có thể khiến bạn thèm ăn nhiều hơn, và sau đó là cảm giác tội lỗi vì đã lỡ ăn, dẫn đến một chu kỳ dao động thất thường giữa việc hạn chế bản thân và ăn uống vô độ.
Emily Feig, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nhấn mạnh nếu bạn muốn thay đổi lối sống, tốt nhất là nên thử cách tiếp cận dần dần, bền vững trong khi vẫn duy trì mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tim-cach-xa-lanh-thuc-an-ma-van-beo-phi-sai-o-dau-20240622163507421.htm