Khi hầu hết châu lục trên thế giới đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt do biến đổi khí hậu, một số bác sĩ, nhà sinh lý học và các chuyên gia đã giải thích điều gì xảy ra với cơ thể con người ở nhiệt độ như vậy.
Nhiệt độ tấn công cơ thể như thế nào?
Nhiệt độ khi nghỉ ngơi của cơ thể thường là khoảng 37 độ C. Giáo sư về nhiệt và sức khỏe Ollie Jay tại Đại học Sydney ở Úc cho biết chỉ cần tăng 4 độ C là có thể xảy ra tình trạng say nắng nghiêm trọng.
Bác sĩ Neil Gandhi tại Bệnh viện Houston Methodist cho biết, trong các đợt nắng nóng, bất kỳ ai đến bệnh viện với tình trạng sốt từ 38,8 độ C trở lên và không có nguồn lây nhiễm rõ ràng sẽ được xem xét tình trạng kiệt sức vì nóng hoặc say nắng nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Jay, nhiệt độ có thể gây tử vong theo 3 cách chính. Đầu tiên là say nắng – nhiệt độ cơ thể tăng cao nghiêm trọng khiến các cơ quan bị suy yếu. Khi nhiệt độ bên trong quá nóng, cơ thể sẽ chuyển hướng lưu lượng máu về phía da để hạ nhiệt. Nhưng điều đó làm chuyển hướng máu và oxy ra khỏi dạ dày và ruột, đồng thời có thể khiến các chất độc thường bị giới hạn ở vùng ruột rò rỉ vào hệ tuần hoàn.
“Điều đó tạo ra một loạt các hiệu ứng: đông máu khắp cơ thể và suy đa cơ quan, cuối cùng là tử vong”, ông cho biết.
Nguyên nhân gây tử vong thứ hai, cũng là nguyên nhân lớn nhất, là sự căng thẳng đối với tim, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tim mạch. Điều này bắt đầu với việc máu dồn đến da để giúp giải nhiệt cơ thể, nhưng cũng khiến huyết áp giảm xuống. Tim phản ứng bằng cách cố gắng bơm thêm máu để giữ cho cơ thể không bị bất tỉnh.
“Trái tim bị ép buộc làm việc nhiều hơn mức bình thường. Đối với một người mắc bệnh tim, điều đó giống như việc chạy lên xe buýt với tình trạng chấn thương gân kheo”, Jay nói.
Nguyên nhân thứ 3 là mất nước nguy hiểm. Jay cho biết, khi mọi người đổ mồ hôi, họ sẽ mất chất lỏng đến mức có thể gây căng thẳng nghiêm trọng cho thận. Tình trạng mất nước có thể tiến triển thành sốc, khiến các cơ quan ngừng hoạt động do thiếu máu, oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến co giật và tử vong.
“Mất nước có thể rất nguy hiểm và thậm chí gây tử vong nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh và đang sử dụng một số loại thuốc”, tiến sĩ Renee Salas, giáo sư y tế công cộng của Đại học Harvard cho biết.
Ảnh hưởng đến não
Nhiệt cũng ảnh hưởng đến não. Một số bác sĩ cho biết, nhiệt độ quá cao có thể khiến một người bối rối hoặc khó suy nghĩ.
Giáo sư sinh lý học W. Larry Kenney của Đại học bang Pennsylvania cho hay: “Một trong những định nghĩa cổ điển về say nắng là nhiệt độ cơ thể ở mức 40 độ C cùng với rối loạn chức năng nhận thức”.
Vấn đề độ ẩm
Một số nhà khoa học sử dụng một phép đo nhiệt độ bên ngoài phức tạp gọi là Nhiệt độ cầu ướt (Wet bulb globe temperature – WBGT), có tính đến độ ẩm, bức xạ mặt trời và gió. Đó là Chỉ số thực nghiệm thể hiện sự căng thẳng nhiệt mà một cá thể phải tiếp xúc.
Trước đây, người ta cho rằng nhiệt độ cầu ướt ở mức 35 độ C là thời điểm cơ thể bắt đầu gặp vấn đề, theo giáo sư Kenney cho biết. Ông đã điều hành một phòng thí nghiệm hộp nóng và thực hiện gần 600 cuộc kiểm tra với các tình nguyện viên.
Tuy nhiên, thực tế là các thử nghiệm của ông cho thấy mức nguy hiểm của nhiệt độ cầu ướt là gần 30,5 độ C. Ông nói rằng con số này đã bắt đầu xuất hiện ở Trung Đông. Đối với người lớn tuổi, điểm nguy hiểm là nhiệt độ cầu ướt ở mức 28 độ C.
Giáo sư Kenney kết luận: “Các đợt nắng nóng ẩm giết chết nhiều người hơn các đợt nắng nóng khô”, vì độ ẩm ảnh hưởng đến khả năng bay hơi của mồ hôi.
Ngọc Ánh (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cach-nang-nong-va-do-am-cao-tan-cong-va-lam-suy-kiet-co-the-con-nguoi-post300346.html