Bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của cộng đồng dân tộc Khmer ở Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đang trở thành nguồn tài nguyên, chất liệu để tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
Chùa Ang Korajaborey (Chùa Âng) là công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, tôn giáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. (Ảnh: Phương Nghi) |
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 32%), có 142 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Có các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Sene Dolta, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; trong đó, Lễ hội Ok Om Bok được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là điều kiện để tỉnh Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa và tâm linh.
Với quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam bộ, Làng Văn hóa, du lịch Khmer xây dựng tại Phường 8 (thành phố Trà Vinh) và xã Lương Hòa (huyện Châu Thành), được quy hoạch tổng thể thành bảy phân khu chính: Ao Bà Om, Chùa Âng, Nhà bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, Trường Pali, Làng Văn hóa dân tộc Khmer, Chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo cùng các phân khu chức năng với nhiều hoạt động và dịch vụ đa dạng, phong phú: chợ đêm thương mại; khu ẩm thực quảng bá các món đặc sắc trong văn hóa Khmer; khu sáng tác nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật; khu vực dã ngoại; khu nhà cổ…
Đòn bẩy du lịch
Mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa, du lịch Khmer trở thành điểm đến văn hóa, du lịch cấp quốc gia; thực hiện chức năng bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh theo hướng phát triển bền vững, đồng thời tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch địa phương.
Bước chân vào làng, du khách sẽ được hòa mình vào nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer lâu đời, lan tỏa bằng hình thức du lịch cộng đồng. Nổi bật ở “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” là con đường bích họa do năm họa sĩ, nghệ nhân Khmer vẽ trên những bức tường nhà dân tại ấp Ba Se A (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành), gồm 28 bức tranh tái hiện hình ảnh văn hóa, sinh hoạt cuộc sống đời thường, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer…
Hiện mỗi tháng, Làng Văn hóa, du lịch Khmer đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú: Làm cốm dẹp, nhảy múa, tham quan làng bích họa, ngắm cảnh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng, chùa chiền. Còn đối với người tham gia làm việc tại làng ngày càng chuyên nghiệp do được đào tạo bài bản.
Nghệ nhân ưu tú Lâm Phene ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) phấn khởi cho biết, Làng Văn hóa, du lịch Khmer gắn với nét đẹp làng nghề đã tạo ra cơ hội trải nghiệm cho du khách khi đến với Trà Vinh, cũng như giao lưu văn hóa với đồng bào dân tộc Khmer.
Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tại “Làng Văn hóa du lịchDu khách tham gia hoạt động trải nghiệm tại Làng Văn hóa, du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Phương Nghi) |
“Ở đây, gia đình tôi trực tiếp tái hiện cho du khách trải nghiệm các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa Rô băm, múa chằn, đánh đàn Tà Khê… với mũ mão, mặt nạ, đạo cụ và nhạc cụ dân tộc do tôi chế tác. Ngoài ra, còn nhiều gia đình tái hiện cảnh giã cốm dẹp, đỗ bánh ống… những món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer”, ông Lâm Phene chia sẻ.
Anh Thạch Anh, hướng dẫn viên Làng Văn hóa, du lịch Khmer cho biết: “Làm hướng dẫn viên tại Làng Văn hóa giúp tôi có thể quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đến với tất cả mọi người. Tham gia thực hiện khởi nghiệp này chúng tôi tích lũy được tài chính và lưu giữ kho tàng văn hóa cho dân tộc mình”.
Nghệ nhân ưu tú Lâm Phene cùng gia đình trực tiếp tái hiện các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa trống Sa dăm phục vụ du khách. (Ảnh: Phương Nghi) |
Từ khi đề án Làng Văn hóa, du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh được triển khai đến nay, đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer đã có những đổi thay tích cực. Bà Thạch Thị Rơi (người Khmer) ở Phường 8 (thành phố Trà Vinh) chia sẻ: “Kể từ khi chúng tôi được tập huấn về kỹ năng làm du lịch, đón tiếp khách, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa của người Khmer.
Hiện nay, trung bình ba buổi/tuần, tôi và gia đình tham gia trình diễn làm cốm dẹp, một đặc sản của người Khmer, và trình diễn nghệ thuật múa dân gian robam tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh để phục vụ khách tham quan. Cũng nhờ vậy mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Phát triển sản phẩm mới
Anh Trần Mạnh Thắng, du khách ở Đà Nẵng cùng gia đình mới có chuyến hành trình khám phá bản sắc văn hóa – nghệ thuật Khmer tại Làng Văn hóa, du lịch Khmer. Tại điểm cốm dẹp Khmer bà Rơi, anh và nhiều du khách hào hứng khi cùng bà con tham gia hoạt động giã cốm dẹp, học cách trộn cốm dẹt. Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu của bà con Khmer trong dịp lễ hội cúng trăng hay còn gọi là lễ hội Ok Om Bok vào ngày rằm tháng 10 âm lịch.
Du khách hào hứng cùng bà con tham gia hoạt động giã cốm dẹp. (Ảnh: Phương Nghi) |
Để thực hiện đề án, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển du lịch theo hướng bền vững, thời gian tới, Trà Vinh sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Khmer.
Trong đó, tỉnh chú trọng khai thác giá trị không gian văn hóa, trình diễn nghệ thuật múa dân gian phục vụ du khách; xây dựng tour tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ mỹ nghệ; tour tìm hiểu kiến trúc văn hóa bản địa bằng xe đạp, cưỡi trâu và lưu trú tại những ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của người Khmer, trải nghiệm cung đường bích họa, du lịch thiện nguyện Phật giáo, du lịch hành hương từ thiện…n
Nguồn: https://baoquocte.vn/bao-ton-van-hoa-khmer-o-tra-vinh-275670.html