Tối 6.1, tại Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai (thuộc xã Đồng Khởi, H.Châu Thành,
Tây Ninh), tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai (26.1.1960 – 26.1.2020), phát pháo lệnh cho phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam.
Hiện thân cho ý chí, khát vọng và niềm tin tất thắng
Theo tư liệu, lúc 0 giờ 30 ngày 26.1.1960, lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ mở cuộc tiến công vào căn cứ Tua Hai, nơi đồn trú của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn. Sau thời gian chiến đấu, lực lượng đã tiêu diệt 76 tên địch, bắt,
giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân, thu hàng ngàn súng các loại. Đây là trận tiến công
quân sự có quy mô lớn nhất tại chiến trường Nam bộ kể từ sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết.
Từ chiến thắng Tua Hai, quân và dân Tây Ninh đã kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận, đẩy mạnh tiến công, bóc gỡ hơn 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã. Sau đó, chiến thắng lan rộng thành phong trào đồng khởi khắp miền Nam.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó thủ tướng
Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chiến thắng Tua Hai ghi thêm mốc son vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, ghi thêm chiến công tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến thắng hiện thân cho ý chí, cho khát vọng và niềm tin tất thắng của cả dân tộc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học quý báu không chỉ cho Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh, Đảng bộ và nhân dân miền Đông Nam Bộ mà còn để lại ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm cho Đảng ta trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
Ông Lê Cơ (trái), một nhân chứng lịch sử trận đánh Tua Hai
|
Nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều”
Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng
Bộ Quốc phòng cho rằng: “Điểm nhấn của trận đánh Tua Hai chính là sự chủ động sáng tạo và nhạy bén của Xứ ủy Nam bộ. Trận đánh đã đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó còn là sự kế thừa và phát huy sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc là chọn mục tiêu, nắm bắt thời cơ, bí mật, bất ngờ tiến công địch, nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”…
Phân tích sâu hơn về nghệ thuật này, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Đình Bách (Học viện Quốc phòng) cho rằng: “Để vận dụng nghệ thuật này, người chỉ huy đã nắm chắc tình hình các mặt: địch, ta, địa hình, địa bàn; phân tích đánh giá đúng những điểm mạnh, điểm yếu của địch; tổ chức trinh sát, toàn diện cả về lực lượng, bố trí đội hình, thời cơ… cả trước và trong quá trình thực hành tác chiến”.
Theo đó, Tua Hai là căn cứ quân sự cấp trung đoàn của quân đội Sài Gòn, có sĩ quan Mỹ làm cố vấn. Lực lượng địch đóng trong căn cứ Tua Hai là Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 bộ binh gồm 1.694 người bao gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đội thiết giáp, 1 đại đội pháo binh.
Ngoài ra, địch còn có 1 đại đội thám báo, 1 đại đội thám báo chìm và có 1 kho chứa vũ khí để trang bị cho các đơn vị mới thành lập. Về phía ta, lực lượng tham gia trận đánh gồm 3 đại đội bộ binh (59, 60,70), Đại đội đặc công 80, 1 trung đội Bình Xuyên, 1 trung đội địa phương tỉnh Tây Ninh (tổng số khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ) và 300 dân công. Vũ khí trang bị của ta kém và cũ hơn địch, trong đó có nhiều vũ khí tự tạo.
Qua phân tích tình hình thực tế, tương quan lực lượng địch ở Tua Hai hơn ta nhiều lần, vũ khí địch hoàn toàn chiếm ưu thế, vượt trội cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, ở Tua Hai lại có những điểm yếu là căn cứ không được bố phòng chặt chẽ, không có công sự vật cản, tổ chức tuần tra, canh gác còn sơ hở… Nhờ đó, phương án tập kích Tua Hai được xác định, tổ chức 2 hướng tiến công, mỗi hướng chia làm 2 mũi đột kích đã thắng lợi.