Sức hút vào các trường THPT chuyên trên cả nước ngày càng “nóng” khi đem lại lợi thế không nhỏ cho học sinh hệ chuyên so với hệ không chuyên khi đăng ký xét tuyển đại học. Tuy nhiên, từ năm học tới, để cho con học trường chuyên, nhiều phụ huynh sẽ phải cân nhắc khi nhiều trường THPT chuyên quyết định tăng học phí.
Sức hút trường chuyên
Chia sẻ về quyết tâm đầu tư cho con vào một trường chuyên ở Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Phương (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày càng có nhiều ưu tiên dành cho học sinh khối chuyên khi mà cả trường đại học trong nước lẫn quốc tế đều dành những suất học bổng hay xét tuyển thẳng, thay vì phải chờ xét bằng kết quả thi tốt nghiệp như đối với học sinh không chuyên.
“Việc vào học trường THPT chuyên, các con vừa có cơ hội tiếp cận với những thầy cô đầu ngành vừa có cơ hội được ôn luyện vào đội tuyển quốc gia. Chỉ cần được dự thi chọn đội tuyển quốc gia, các con cũng được xét thẳng vào đại học và có cơ hội xét học bổng nước ngoài. Ngoài ra, các con cũng được nhiều trường đại học trong nước ưu tiên xét tuyển thẳng như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nếu đạt điều kiện về hồ sơ học bạ…”.
Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, từ năm học 2024-2025, một số học sinh thuộc 4 trường THPT sẽ được tích lũy tín chỉ ngay từ lớp 10 để rút ngắn thời gian học đại học. Dự kiến, khóa đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đón khoảng 200 học sinh. Mô hình này nằm trong kế hoạch thí điểm chương trình đào tạo tài năng trẻ liên thông từ THPT lên đại học.
Theo đó, học sinh trẻ tài năng, thuộc 4 trường THPT trong khối ĐH Quốc gia Hà Nội gồm: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên), THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), THPT Khoa học Giáo dục (thuộc ĐH Giáo dục) và THPT chuyên ngữ (thuộc ĐH Ngoại ngữ), sẽ được học để tích lũy tín chỉ, được cấp giấy chứng nhận tín chỉ nhằm rút ngắn chương trình đại học.
Có thể thấy, với những chính sách tuyển sinh đại học có lợi như vậy, sức hút vào các trường chuyên trên cả nước sẽ ngày càng lớn.
Bỏ hệ không chuyên ảnh hưởng tới nguồn thu của trường
Trong khi nhu cầu vào trường THPT chuyên trên cả nước ngày càng tăng thì việc các trường THPT chuyên trên phải dừng tuyển sinh hệ không chuyên từ năm học 2024-2025 theo Quy chế Bộ GD-ĐT mới ban hành về hoạt động của trường THPT chuyên khiến các trường này bắt đầu rục rịch tăng học phí.
Hệ không chuyên dưới các tên gọi khác nhau ở các trường THPT chuyên như “cận chuyên”, hệ “chất lượng cao” lâu nay được phép thu học phí cao hơn nhiều lần so với hệ chuyên. Việc dừng tuyển sinh hệ này khiến nguồn thu của các trường chuyên bị ảnh hưởng không nhỏ và phải tính các phương án thu bù chi.
Có thể thấy, năm học tới, các trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH ở Hà Nội đều đồng loạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp chuyên. Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội tăng 105 chỉ tiêu và 3 lớp chuyên; Trường THPT chuyên KHTN tăng 75 chỉ tiêu, mỗi môn chuyên tăng 15 chỉ tiêu.
Năm nay, trường THPT chuyên Ngoại ngữ tuyển 525 học sinh cho 7 lớp chuyên. Trừ lớp chuyên tiếng Anh giảm nhẹ 5 chỉ tiêu, còn lại đều tăng 10-30 suất. Tổng số chỉ tiêu năm học tới của trường THPT chuyên Ngoại ngữ tăng 125 chỉ tiêu.
Điều gây bất ngờ với nhiều phụ huynh học sinh là quyết định tăng học phí khá cao của hai trường chuyên ngay năm học tới. Trường THPT chuyên Sư phạm của ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) đều có mức tăng khoảng 5-6 lần so với năm học 2023-2024.
Cụ thể, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ công bố áp dụng mức học phí mới từ năm học 2024-2025 với mức 1,3 triệu đồng/tháng năm 2024, từ năm 2025 tăng lên 1,97 triệu đồng/tháng. Học phí áp dụng cho khóa tuyển mới và giữ ổn định đến hết khóa học. Còn trường THPT chuyên Sư phạm thu học phí 650.000 đồng/tháng trong học kỳ I. Từ học kỳ II lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Trong hai năm học tiếp theo, học phí lần lượt là 1,7 triệu đồng/tháng và 1,8 triệu đồng/tháng. Được biết, năm học 2023-2024, cả hai trường đều áp dụng mức 300.000 đồng/tháng với học sinh lớp chuyên.
Với mức tăng vọt này, không ít phụ huynh đã phải cân nhắc, đặc biệt là với học sinh tỉnh ngoài về Hà Nội học tập. Chị Đặng Thu An (ở tỉnh Bắc Giang) cho biết, mặc dù đã đầu tư nhiều thời gian cho con ôn luyện để thi vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhưng hiện gia đình chị đang phải tính toán lại vì ngoài học phí tăng thì các sinh hoạt phí cũng tăng. Chi phí quá lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của gia đình chị.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết, hệ cận chuyên trường này năm học 2023-2024 đã thu mức học phí 3,1 triệu đồng/tháng/học sinh. Học phí hệ chuyên theo mức thu mới, chưa bằng 2/3 mức thu hệ cận chuyên.
TS. Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, hiện trường dùng nguồn thu từ hệ không chuyên để bù cho hệ chuyên. Khi ngân sách giảm, nguồn thu từ hệ không chuyên không còn, trường buộc phải tăng học phí để duy trì hoạt động.
Việc các trường THPT chuyên tăng học phí sau khi chuyển đổi mô hình từ công lập sang công lập tự chủ tài chính là thực hiện trên cơ sở Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và mức trần giá dịch vụ với trường THPT chuyên thuộc quản lý của Hà Nội. Mức trần quy định này là khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.
“Ngay cả khi thu học phí theo mức mới, trường vẫn chỉ hoạt động ở mức tối thiểu chứ không dư dả”, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/phu-huynh-can-nhac-cho-con-hoc-chuyen-sau-khi-nhieu-truong-thpt-chuyen-tang-hoc-phi-20240607162052283.htm