Tên tuổi của ông được nhiều người biết đến khi ông vận dụng và phát triển các mô hình toán trong thủy văn vào những năm cuối thế kỷ XX. Đến nay, các kết quả khoa học do ông thực hiện đã góp phần đáng kể cho sự phát triển của khoa học thủy văn.
Vận dụng lý thuyết khoa học để giải quyết những vấn đề thực tiễn
Trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết “Vạn vật không có nước không thể sống được. Mọi việc không có nước không thể thành được”. Nước cũng là một dạng thiên tai khủng khiếp, đứng đầu trong các dạng tai họa như người ta thường xếp loại “Thủy – Hỏa – Đạo – Tặc”. Bởi vậy, việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước và phòng chống hiệu quả với các dạng thiên tai do nước (mưa lớn, bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất…) là một trong những vấn đề quan trọng của Thủy văn học – khoa học nghiên cứu về Nước.
Để giải quyết những vấn đề này, không thể chỉ dừng lại ở những nhận xét định tính và đưa ra những khuyến nghị chung chung như cần xây dựng hồ chứa nhằm giữ lại lượng nước thừa trong mùa lũ để sử dụng trong mùa kiệt – khi ruộng đồng thiếu nước, hay cần đắp đê phòng lũ như ông cha ta đã làm từ hàng ngàn năm nay mà còn cần phải có những tính toán định lượng, xác định những chỉ tiêu thiết kế rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả của các công trình, tính hợp lý của các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo cân bằng giữa các thông số trong bài toán kinh tế – kỹ thuật – môi trường.
Nhận thức được điểm mạnh của mô hình toán để giải quyết các vấn đề trong thủy văn học nên ngay từ khi xác định chủ đề của luận văn Thạc sĩ khoa học ở Cộng hòa Ai-len (Republic of Ireland) vào năm 1986 – khi mà phương pháp mô hình toán trong thủy văn còn đang ở những bước phát triển đầu tiên – nhà khoa học Vũ Văn Tuấn đã lựa chọn chuyên đề “Mô hình SMARt trong thủy văn” để phát triển hướng nghiên cứu này. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Giáo sư James Eamonn Nash (1927 – 2000) – một chuyên gia thủy văn hàng đầu của thế giới, cha đẻ của lý thuyết tuyến tính trong thủy văn học – ông đã hoàn thành luận văn ngay trong năm tiếp theo (1987).
Mặc dù mô hình toán là một công cụ mạnh để giải quyết các vấn đề trong thủy văn, nhưng vấn đề quyết định độ chính xác của kết quả trong sử dụng các mô hình này lại phụ thuộc rất lớn vào các thông số mang tính địa phương của nơi sử dụng mô hình đó, chẳng hạn như khi xác định hệ số dòng chảy – một yếu tố thủy văn quan trọng – cần phải xác định các thông số liên quan tới tổn thất như tỷ lệ che phủ rừng, mức độ ngưng chắn lượng mưa dưới tán rừng, loại cây rừng…
Do vậy, phương pháp thực nghiệm đã được ông kết hợp với lý thuyết mô hình toán để giải quyết những vấn đề thực tiễn thông qua một số công trình khoa học tiêu biểu như: “Vấn đề nghiên cứu thực nghiệm trong thủy văn”, “Một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm thủy văn ở Việt Nam”, “Thủy văn rừng và những kết quả nghiên cứu thực nghiệm thủy văn”, “Mô hình hóa quá trình dòng chảy trong các lưu vực có hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp”… Những vấn đề này đã được ông đúc kết trong Luận án Tiến sĩ “Sử dụng số liệu thực nghiệm thuỷ văn để phân tích và mô hình hóa quá trình dòng chảy” (1993).
Không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu mang tính toán học thuần túy, ông luôn mong muốn vận dụng những lý thuyết của khoa học thủy văn để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi.
Một trong những vấn đề đó là bài toán quy hoạch tài nguyên nước. Là một nhà khoa học, thành viên trong Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (năm 2000), ông đã đóng góp nhiều ý kiến về sự cần thiết phải quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông mà không nên quản lý theo đơn vị hành chính (theo tỉnh, huyện…).
Ý tưởng này được ông nêu ra và trao đổi với các nhà khoa học đồng nghiệp trong nước và quốc tế từ những năm 90 của thế kỷ trước – khi ông là đại diện của Việt Nam tham gia vào tiến trình chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị Thượng đỉnh Môi trường Rio 1992 qua việc tham gia các Hội nghị khoa học như Hội nghị Tư vấn Nước ở Copenhagen (1991), Hội nghị Nước và Môi trường toàn cầu ở Dublin (1992) – nơi đã đưa ra 4 nguyên tắc Dublin nổi tiếng trong thủy văn.
Ý tưởng này cũng được phát triển rộng rãi hơn khi ông làm chuyên gia Thủy văn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO, Geneva, 1996 – 1998), làm Trưởng nhóm Chuyên gia quốc tế của Chương trình Quy hoạch phát triển lưu vực cho Ủy hội sông Mê Công (2004 – 2007)…
Cho tới nay, ông đã có hơn 200 bài báo khoa học, công trình nghiên cứu được công bố ở trong nước và quốc tế. Các bạn bè và đồng nghiệp quốc tế thường gọi ông với cái tên trìu mến là TS. Vũ (Dr. Vu).
Truyền đam mê và kết quả nghiên cứu vào giảng dạy
Không chỉ miệt mài với các công trình nghiên cứu, ông còn dành nhiều thời gian trên giảng đường ở các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong nước (Đại học Thủy lợi, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp – nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Khoa học – kỹ thuật và công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng, các Viện nghiên cứu: Lâm nghiệp, Nông hóa Thổ nhưỡng, Quy hoạch & Thiết kế nông nghiệp…) và hướng dẫn thành công nhiều học viên bảo vệ luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ.
Sau khi nghỉ công tác ở cương vị Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT (năm 2008), ông vẫn tiếp tục tham gia nhiều Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ, Hội đồng thẩm định môi trường chiến lược, Hội đồng đánh giá tác động môi trường quốc gia, tham gia biên soạn nhiều tài liệu quan trọng như Kế hoạch Hành động Quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu; Hướng dẫn lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu trong Chiến lược; Quy hoạch; Kế hoạch bằng công cụ Đánh giá môi trường chiến lược…
Ông cũng tham gia nhiều dự án về phát triển tài nguyên nước và phòng tránh thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cộng đồng chung châu Âu (EU) và trực tiếp với nhiều quốc gia như Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản…
Luận văn Thạc sĩ “Mô hình SMARt trong thủy văn” cùng với luận án Tiến sĩ “Sử dụng số liệu thực nghiệm thủy văn để phân tích và mô hình hóa quá trình dòng chảy” của PGS.TS Vũ Văn Tuấn đã định hướng cho những nghiên cứu sâu hơn về những mô hình toán tuyến tính/nhiễu tuyến tính trong lĩnh vực thủy văn nói chung và khoa học thủy văn rừng nói riêng, trong ứng dụng mô hình toán để quản lý tổng hợp tài nguyên nước của các lưu vực sông vùng nhiệt đới ẩm…
Từ năm 2015 đến nay, ông làm Trưởng nhóm Chuyên gia quốc tế cho dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” do ADB tài trợ cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và biên soạn cuốn Sổ tay Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cấp làng ở Lào và khu vực.
Trong cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận rõ nhiệt huyết của ông trong công việc. Bởi lẽ đã bước sang tuổi 75 – độ tuổi “thất thập cổ lai hy” – nhưng PGS.TS Vũ Văn Tuấn vẫn luôn mong muốn được làm “con tằm nhả tơ” nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khoa học và cho các thế hệ mai sau.
Sự say mê và tình yêu của ông đối với nghiên cứu khoa học khiến tôi liên tưởng đến câu nói bất hủ của thiên tài Albert Einstein – nhà vật lý học, một trong những trí tuệ vĩ đại nhất của thế kỷ 20: “Động lực khiến một con người làm việc say mê, giống như một tín đồ sùng đạo hay một người đang yêu say đắm, đó là nỗ lực mỗi ngày hoàn toàn không hề có chủ định trước, mà xuất phát từ trái tim”. Mong rằng, những hướng nghiên cứu mà ông đang thực hiện hay ấp ủ sẽ góp phần cống hiến thêm cho sự phát triển của ngành khoa học thủy văn nước nhà.