Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Ly Mí Cường luôn tâm huyết trong việc quảng bá tiếng sáo, tiếng khèn của dân tộc mình đến với các cuộc thi quốc tế. Mới đây, anh đã giành giải Nhất ở bảng thi Nhạc cụ truyền thống tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Trung Quốc-Singapore năm 2024.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với anh sau thành tích đáng tự hào này!
Sinh ra ở miền núi đá còn vô vàn khó khăn, anh lại chọn cho mình một con đường riêng, đó là học sáo trúc?
– Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ tôi làm nghề sản xuất chế biến trà Shan Tuyết. Nơi tôi sinh ra cũng là “cái nôi” văn hóa của người Mông. Người Mông chúng tôi rất mê thổi sáo, thổi khèn của dân tộc mình. Bởi thế, tôi đã biết đến và yêu thích hai nhạc cụ này từ rất sớm. Nhưng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì chưa có chuyên ngành đào tạo về nó nên tôi phải chọn sáo trúc. Sáo trúc và sáo Mông có nhiều điểm giống nhau, bởi thế tôi coi việc học sáo trúc cũng là cách để hiểu thêm truyền thống dân tộc, đồng thời vẫn giữ được “lửa” với các nhạc cụ của dân tộc mình.
Có thể nhiều người nghĩ, tại sao sinh ra ở miền quê nghèo thì không học lấy một nghề gì đó liên quan đến kỹ thuật, kinh tế hay du lịch để dễ kiếm tiền nhưng tôi thì xác định phải học âm nhạc. Âm nhạc có thể không dễ kiếm được tiền nhưng nó có một sức mạnh mà nhiều nghề khác không có được, đó là truyền cảm hứng sống, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Ngay từ khi từ bé, tôi đã xác định phải theo âm nhạc, tôi coi âm nhạc như máu thịt, hơi thở và cuộc sống của mình.
Từ biết theo kiểu bản năng đến học một cách bài bản đem đến cho anh những khó khăn?
– Nếu như trước đây, tôi thổi sáo một cách bản năng, không theo nhạc lý thì khi về học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi đã vào khuôn khổ nhất định. Học nhạc cụ đầu tiên phải hiểu về nhạc lý, phải có kiến thức nền tảng về bộ môn mình theo học. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Anh (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, giảng viên kiêm nhiệm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã dìu dắt tôi suốt những năm đã qua.
Khó khăn ư? Rất nhiều đấy. Tôi phải học từ cách lấy hơi đến giữ nhịp và điều quan trọng con người ta sẽ rất khó bỏ những thói quen từ lâu. Bù lại, tôi có tình yêu, niềm tin mãnh liệt với âm nhạc truyền thống. Sáo Mông hay sáo trúc thì cũng là các loại sáo dân tộc và trách nhiệm của người trẻ chúng tôi là phải gìn giữ, lan tỏa nó trong đời sống hôm nay.
Một khó khăn nữa mà tôi gặp phải đó là sự tự ti khi mình là người dân tộc thiểu số. Mọi thứ với tôi đều thấp hơn bạn bè. Nhưng rồi hơn 4 năm học tập tại Hà Nội, tôi cũng đã dần hòa nhập với lối sống ở thành phố này. Lúc đầu cũng có các bạn có những lời nói khiến tôi tổn thương và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng sau đó tôi không còn suy nghĩ tiêu cực nữa mà thay vào đó là nỗ lực không ngừng phát triển bản thân để chứng minh cho mọi người thấy rằng, xuất phát điểm không quan trọng mà việc có kiên trì để cố gắng hay không mới quan trọng.
Tại sao trong các cuộc thi quốc tế, anh luôn mang đến hình ảnh một chàng trai mặc bộ đồ dân tộc, tấu lên những giai điệu trong trẻo, da diết với sáo Mông, khèn Mông?
– Không chỉ các cuộc thi quốc tế đâu mà trong các sự kiện âm nhạc lớn, như: “Tết Mông xuống phố”, liveshow của Đen Vâu…, tôi luôn mang đến một hình ảnh như vậy. Đây là cơ hội hiếm có để tôi phô diễn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Với những lần mang sáo, mang khèn ra nước ngoài, tôi nhận sự đón tiếp nồng hậu của khán giả quốc tế, của các bạn chơi nhạc. Họ khá thích và tò mò về nhạc cụ Việt Nam. Có những bạn tôi vẫn giữ liên hệ và thường xuyên trao đổi chuyên môn. Sự đón nhận của các bạn luôn là động lực để tôi cố gắng hơn nữa, để đưa tiếng sáo, tiếng khèn được vươn xa.
Tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Trung Quốc – Singapore năm 2024, tôi là thí sinh mang đến 2 nhạc cụ chưa từng có trong tiền lệ cuộc thi này là sáo Mông và khèn Mông. Thông thường, nhắc đến nhạc cụ dân tộc thì thường là sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, đà tỳ bà… còn với tôi là một người Mông chính hiệu thì việc mang đến sáo Mông, khèn Mông cũng là điều dễ hiểu thôi mà. Vẫn là cây sáo, cây khèn Mông, nhưng tôi luôn cố gắng chọn bài có độ khó hơn, có kỹ thuật cao hơn.
Mỗi cuộc thi, tôi lại chuẩn bị những bài khác nhau để các bạn thấy rằng, tiếng khèn, tiếng sáo Mông rất độc đáo, thú vị và có thể thổi được rất nhiều bài hát. Sắp tới, tôi sẽ tham gia Cuộc thi Hong Kong International Music Festival 2024 tại Trung Quốc và tôi đang tất bật chuẩn bị phần thi của mình.
Là người trẻ, anh dường như rất tích cực lan tỏa những bài sáo trên mạng xã hội, trong đó là việc làm mới những bài sáo quen thuộc?
– Đúng vậy. Âm nhạc truyền thống không dừng lại, nó luôn vận động không ngừng. Và tôi nghĩ, để các bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc thì người nghệ sĩ phải cố gắng “pha lẫn” nhạc cụ này với nhạc cụ hiện đại, với các điệu múa hiện đại để cho gần gũi với giới trẻ. Tất nhiên, tôi cũng hiểu rằng, phải làm hết sức cẩn trọng, nghiên cứu kỹ càng, không lại rất dễ rơi vào việc “phá” hỏng âm nhạc.
Bản sáo “Gọi em bên suối” của Ly Mí Cường. (Clip: YTNV)
Được biết, anh được nhiều bạn trẻ người Mông, đặc biệt là những người thuộc thế hệ gen Z hâm mộ? Sắp tới, anh có dự định gì cho việc cùng họ lan tỏa văn hóa dân tộc?
– Cộng đồng người Mông của chúng tôi rất đoàn kết. Chúng tôi có cả câu lạc bộ những người Mông sinh sống ở Hà Nội và có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm gắn kết chúng tôi lại với nhau. Mỗi người học một nghề, một ngành nhưng tôi đều tràn đầy khát vọng làm giàu cho quê hương hay nói theo cách của nhà thơ Y Phương là “kê cao quê hương”. Tôi là một nghệ sĩ, việc của tôi là cất lên thanh âm gắn kết trái tim, tâm hồn lại với nhau. Tôi muốn dùng âm nhạc để nói lên tiếng nói của dân tộc tôi, quê hương tôi.
Dự định trong dịp hè này, tôi sẽ trở về Đồng Văn mở lớp dạy sáo trúc, sáo Mông, khèn Mông… sau khi tôi đã được học chuyên nghiệp, từ đó thúc đẩy tình yêu, sự đam mê âm nhạc dân tộc cho những người trẻ.
Tôi hy vọng từ những lớp học này sẽ phát hiện, bồi dưỡng để các bạn trẻ dân tộc Mông đến với âm nhạc truyền thống, cùng tôi góp sức quảng bá âm nhạc đồng bào Mông nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đến mọi người. Và nếu có không theo âm nhạc chuyên nghiệp thì họ vẫn cần có âm nhạc để “chữa lành” những “vết thương” trong tâm hồn.
Tôi tự hào là một người Mông và việc của tôi lúc này là lan tỏa tình yêu, trách nhiệm với dân tộc tôi. Có thể, nhiều người sẽ nghĩ đây là những điều hoang tưởng, nghĩ tôi là “bao đồng” nhưng không hiểu sao từ lúc nào tôi đã tự đặt cho mình thiên sứ ấy. Người dân tộc chúng tôi thật thà như đếm, đã nói là làm và làm đến cùng. Tôi thật sự khát khao làm một điều gì đó cho quê hương.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Nguồn: https://danviet.vn/sinh-ra-tu-gia-dinh-nong-dan-ngheo-chang-trai-gen-z-dua-tieng-sao-nguoi-mong-vuon-tam-quoc-te-20240523071708544.htm