Chính phủ vừa thống nhất về nguyên tắc việc quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần thể hiện tại Điều 78 dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Cụ thể, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trước khi nghỉ hưu theo các mức khác nhau.
Cụ thể, bắt đầu tham gia BHXh trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.
Tính theo giai đoạn là phù hợp
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện nay cách tính tiền lương hưu bình quân của công chức lợi hơn so với cách tính ngoài thị trường. Khu vực ngoài Nhà nước tính bình quân tiền lương đóng BHXH bằng toàn bộ quá trình tham gia BHXH, còn khu vực công được tính theo từng giai đoạn.
Việc dự thảo Luật BHXH sửa đổi chia cách tính lương hưu bình quân theo từng giai đoạn khác nhau và đến 2025 sẽ tính cả quá trình đóng BHXH hưởng lương hưu là để hướng tới cách tính như thị trường.
“Tiền lương mỗi giai đoạn theo kết cấu khác nhau nên BHXH phải đóng hưởng khác nhau. Giai đoạn trước mắt bằng tiền lương thấp hơn nên tính bình quân giai đoạn các năm cuối lương hưu sẽ cao hơn so với toàn bộ quá trình tham gia BHXH. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động”, ông Huân nói.
Đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết, tiền lương bình quân đóng BHXH hưởng lương hưu được điều chỉnh liên quan đến chính sách cải cách tiền lương. Trước 1995 tính hưởng lương hưu bằng mức bình quân 5 năm cuối cùng , sau năm 1995 trở đi số năm được tính tăng dần và hướng tới tính như thị trường tính cả quá trình là phù hợp.
Mức lương giai đoạn trước thấp, nếu tính cả quá trình đóng BHXH mức lương hưu sẽ rất thấp, điều này bất lợi cho người lao động. Do vậy, việc dự thảo luật BHXH sửa đổi tính tăng dần là phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc khu vực công.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cach-tinh-bhxh-binh-quan-huong-luong-huu-the-nao-2293475.html