Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024. “Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay là một tín hiệu tích cực, khẳng định được tính ổn định của kỳ thi như Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố”, ông Quốc nói.
10 năm đổi mới đề thi
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đề toán năm nay quá dài, quá khó, điểm thi môn toán cũng thấp nhất trong ba môn thi tuyển sinh lớp 10, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Đề thi toán tuyển sinh lớp 10 nhiều năm qua đều dài hai trang. Một số ý kiến cho rằng các bài toán thực tế quá dài dòng, có nhiều dữ liệu không cần thiết…
Thật ra, đây là chủ trương của ban ra đề nhằm rèn luyện và kiểm tra kỹ năng đọc – hiểu của thí sinh. Đọc – hiểu là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các môn chứ không chỉ ở môn văn. Tương tự, với môn toán, khi đọc đề thi, thí sinh cần chọn lọc đâu là dữ liệu cần thiết để sử dụng giải bài toán ấy.
Tuy vậy, hội đồng ra đề thi tuyển sinh lớp 10 vẫn ghi nhận góp ý của giới chuyên môn và sẽ cân đối độ dài phù hợp của đề thi toán ở các năm sau. Từ mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2025, đề thi phải đảm bảo yêu cầu theo tinh thần đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, cũng cần nói rõ rằng đề thi toán năm nay đã ra theo đúng định hướng chuyên môn mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn từ đầu năm học. Trong đó, việc giảng dạy không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn là khơi gợi, phát huy tiềm năng cũng như phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đề thi tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn chứ không kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của thí sinh.
Mặt khác, đây là đề thi dùng để tuyển sinh chứ không phải đề thi tốt nghiệp. Mà đã là đề thi tuyển sinh đương nhiên phải có sự phân hóa. Phổ điểm môn toán năm nay hình parabol, đỉnh là điểm 5 – tức đây là mức điểm có số học sinh đạt được nhiều nhất, với 7.167 học sinh đạt điểm 5. Phổ điểm đã cho thấy là đề thi phân hóa rất tốt thí sinh.
* Được biết, không phải năm nay mà từ năm 2014 Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã bắt đầu đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán. Vậy theo ông tại sao sau 10 năm mà học sinh vẫn chưa quen với việc đổi mới này?
– Đúng là năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã bắt đầu đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán. Tuy nhiên chúng tôi đổi mới từ từ, mỗi năm tăng thêm một chút. Trước khi đổi mới nội dung đề thi theo hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tế thì sở có hướng dẫn chuyên môn để giáo viên các trường THCS đổi mới phương pháp giảng dạy chứ không phải đùng một cái đổi mới ngay.
Như năm nay, nếu xem kỹ kết quả thi tuyển sinh lớp 10 sẽ thấy trường nào đổi mới phương pháp dạy – học, đổi mới phương pháp kiểm tra – đánh giá học sinh như hướng dẫn của sở thì học sinh trường đó đạt điểm cao. Kết quả chấm thi môn toán có 49 thí sinh đạt điểm 10, 31 thí sinh đạt 9,75 điểm, 132 thí sinh đạt điểm 9,5 môn toán…
Trong đó, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 11 thí sinh đạt điểm 10. Các trường tiếp theo có nhiều thí sinh đạt điểm 10 môn toán là Trường trung học Thực hành Sài Gòn, THCS Lê Thánh Tông, Lý Phong, Lê Văn Tám, Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức)…
Ông Nguyễn Bảo Quốc
Kiên trì với định hướng đổi mới
* Từ đề thi toán năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã rút ra được điều gì, thưa ông?
– Chúng tôi nhận ra điểm yếu của học sinh TP.HCM chính là khả năng đọc – hiểu. Chúng tôi cũng nhận ra vẫn còn nhiều trường THCS chưa thực hiện đồng bộ việc đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
Về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP vẫn sẽ kiên trì với định hướng đổi mới nội dung đề thi như đã nói ở trên. Do đó, năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động học tập, bồi dưỡng giáo viên. Các nhà trường THCS cần đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn và tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp.
Về phía giáo viên, các thầy cô giáo cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự học; tăng cường sử dụng học liệu số và tận dụng hệ thống quản lý học tập (LMS)… để giúp học sinh thực hiện các nhiệm vụ vừa sức theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, sở cũng sẽ có những điều chỉnh trong quá trình biên soạn đề thi. Việc điều chỉnh là để thích hợp với những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chứ không phải điều chỉnh để chúng ta thay đổi số điểm, thay đổi định hướng kiểm tra, đánh giá.
Dư luận trái chiều đề thi toán vào lớp 10
Đề thi môn toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM vừa qua gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng đề quá dài và quá khó đối với học sinh vừa học hết lớp 9. Một bên lại nhận định học sinh không làm được bài vì nhà trường THCS đang giảng dạy theo mô típ cũ. Giáo viên đứng lớp không chịu đổi mới phương pháp giảng dạy thì học sinh sẽ gặp khó khăn khi gặp dạng đề đòi hỏi tư duy, vận dụng, ứng biến…
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-thi-mon-toan-tuyen-sinh-lop-10-thap-so-gd-dt-tp-hcm-noi-tich-cuc-dung-huong-20240622075541322.htm