“Giá như các cháu không mồ côi cha mẹ”
Sáng 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để đảm bảo an toàn trước cộng đồng nhưng cũng nhân văn để mở đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng.
Bà Thủy tán thành với việc ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên với phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự.
Nữ đại biểu cho hay, trong tháng 3 vừa qua, Ủy ban Tư pháp tổ chức khảo sát tại 3/3 trường giáo dưỡng trên cả nước. “Tại đây, điều làm cho chúng tôi day dứt nhất là hoàn cảnh gia đình của các cháu. Số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố, mẹ ly hôn, ly thân; bố, mẹ phạm tội hoặc mồ côi cha, mẹ… chiếm tỉ lệ rất lớn”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, nhiều cháu đã 16-17 tuổi nhưng học cả tuần vẫn chưa viết nổi họ tên của mình. Nhiều cháu đã vào trường đến 9 tháng nhưng chưa có người thân đến thăm, hỏi ra mới biết bố mất sớm còn mẹ đang đi xuất khẩu lao động.
“Chúng tôi thầm nghĩ, giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, giá như các cháu có một mái ấm gia đình đầy đủ mẹ cha thì có lẽ các cháu đã không phạm phải những sai lầm như ngày hôm nay”, bà Thủy chia sẻ và cho rằng những đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế các chính sách xử lý phải tính toán đầy đủ các đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên, cũng như phải cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến các cháu phạm tội để có những biện pháp, chính sách thật phù hợp.
Theo đại biểu, thực trạng pháp luật hiện hành đang thiếu cách tiếp cận mang tính toàn diện và chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên nên vẫn có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em. Sau đó, điều chỉnh một chút, giảm nhẹ một chút trong khi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, đặc biệt là ở khía cạnh tư pháp.
Hình phạt và tố tụng hình sự là hai vấn đề chính yếu của tư pháp hình sự. Nếu ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên mà không điều chỉnh hai vấn đề này thì người chưa thành niên hầu như không được hưởng chính sách nhân văn từ Luật này.
Tán thành việc tách vụ án hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, việc tách hay không tách vụ án phải phụ thuộc vào các chính sách cụ thể trong dự thảo Luật.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định rút ngắn thời hạn tố tụng. Luật hiện hành đang quy định thời hạn tố tụng của người lớn bằng trẻ em còn dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu công ước quốc tế về thời hạn tố tụng của trẻ em bằng một nửa so với người lớn.
“Với quy định chính sách mới như vậy, nếu không tách vụ án có cả người lớn và trẻ em phạm tội để giải quyết thì sẽ dẫn tới thời hạn của trẻ em thì đã hết nhưng thời hạn của người lớn thì vẫn còn, có nguy cơ dẫn tới việc phải bồi thường”, bà Thủy cho hay.
Rút ngắn thời hạn tố tụng
Nêu ý kiến, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) đồng tình với quy định tách vụ án tại dự thảo Luật để giải quyết độc lập, đảm bảo nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, vì lợi ích của người chưa thành niên với lý do nguyên tắc này phù hợp với quy định, chủ trương, đường lối của Đảng và Công ước về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định thời hạn tạm giam điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên bằng 1/2 người trưởng thành. Quy định này là phù hợp với thực tiễn.
Dẫn nghiên cứu báo cáo của các cơ quan chức năng, bà Thu chỉ ra rằng, người chưa thành niên thường đồng phạm với vai trò giúp sức trong các tội tổ chức đánh bạc, đua xe trái phép, trộm cắp hoặc đồng phạm trong một số tội nguy hiểm hơn, gây thương tích, tài sản.
Theo bà Thu, người chưa thành niên phạm tội thường do hoàn cảnh, nhận thức còn hạn chế, phần lớn là học sinh tại các trường nghề, trường phổ thông. Nếu phải chờ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử như với người trưởng thành mà trong vụ án có nhiều người, nhiều hành vi, nhiều đối tượng, ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài thì việc điều tra, giải quyết vụ án sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Các em sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc khi phải chờ giải quyết xong vụ án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các em khi phải áp dụng biện pháp ngăn chặn của các cơ quan trong thời gian dài”, bà nói.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng việc rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có người chưa thành niên phạm tội và tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội là 2 vấn đề có liên quan đến nhau.
Đại biểu nhất trí việc quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn vụ án đối với người trưởng thành phạm tội, trừ vụ án có tính chất phức tạp nhằm thực hiện tốt nguyên tắc của Bộ Luật Tố tụng hình sự là bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
Đồng thời, cần tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng vì phải tách vụ án thì mới thực hiện được quy định rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 thời hạn của người lớn;
Cùng với đó, theo đại biểu, phải tách vụ án thì mới giải quyết được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên phạm tội là phải được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học và khoa học giáo dục về người chưa thành niên như quy định tại điều 29 của dự thảo Luật.
“Nếu gộp vụ án có cả người chưa thành niên và người lớn, đồng thời phải bố trí điều tra viên, kiểm sát viên thẩm phán có các tiêu chuẩn như trên là không phù hợp”, bà Hà nêu ý kiến.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/can-tach-vu-an-hinh-su-co-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-a669386.html