Gửi con cho ông bà để tác nghiệp nơi tâm lũ
Ngày 23/7/2018, đập phụ D của dự án thuỷ điện Xepian-Xe Namnoy (thuộc tỉnh Attapeu, Lào) đổ sập, giải phóng hàng tỷ khối nước xuống hạ lưu và gây ra thiệt hại lớn.
Lúc đó, sau khi nhận được thông tin, nữ nhà báo Bùi Thị Ngân, tạp chí Đời sống và Pháp luật, thuộc văn phòng miền Trung, đã lập tức đưa con đến nhà ông bà để sẵn sàng lên đường tác nghiệp. Là phóng viên thường trú tại khu vực miền Trung, năm nào cũng phải lo “gánh gồng” chuyện nắng hạn, mưa lũ, nữ phóng viên Bùi Ngân đã luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng mỗi khi trên địa bàn có thiên tai ập đến.
Tuy nhiên, lần này, sự cố vỡ đập thuỷ điện ở nước bạn Lào với khoảng cách 1.000km. Đường đi vốn khó khăn thì nay vất vả gấp bội, nhiều nơi bị chia cắt, vậy nên chuyến công tác lần này sẽ lâu hơn trước. “Mỗi lần đi tác nghiệp tại các “rốn lũ” thì điều tôi thấy lo lắng nhất là để con ở lại. Thương con vô cùng, nhưng nghề của mình nên phải cố gắng thôi!…”, nữ phóng viên trải lòng.
Nói là như vậy, nhưng để vào đến hiện trường vùng thiên tai, đối với các phóng viên nam đã là quá vất vả, còn với các nữ phóng viên thì sự gian nan, khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội. Có những đoạn đường, nữ phóng viên đã phải mang theo máy ảnh, máy quay, xắn quần lội bùn lũ ngập gần ngang thắt lưng. Những ngôi nhà đổ sập, xác lợn, gà, bò… chết nổi kín trên mặt nước, một cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy hiện hữu trước mắt.
Bì bõm trong nước lũ, giữa gió mưa, những hình ảnh đầu tiên về sự thiệt hại khủng khiếp của sự cố vỡ đập đã được nữ phóng viên nhanh chóng chuyển về tòa soạn. Tất cả bài viết, phóng sự đó đã gây xúc động mạnh, chạm đến trái tim của hàng triệu bạn đọc…
“Nhiều ngày sau đó, tôi và đồng nghiệp đã đi sâu vào tâm hiện trường vụ vỡ đập. Những nạn nhân được giải cứu đều phải chịu đói và rét do bị cô lập trên núi, phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Lúc này, chúng tôi – những người làm báo hiểu rằng, nhiệm vụ của mình là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất “lột tả” những đau thương mà người dân vùng lũ đang phải chịu đựng, chuyển tới bạn đọc, để cả nước cùng chia sẻ với họ”, nữ phóng viên nhớ lại.
Những hình ảnh tang thương của người dân đã chiếm lấy tâm trí nữ phóng viên. Vì vậy, dù mệt mỏi, chị luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ người dân.
Chia sẻ những khó khăn với đồng bào vùng lũ
Là người đầu tiên có mặt tại tâm lũ quét tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng 2/10/2022, thậm chí tận mắt chứng kiến trận lũ tàn phá bản làng, nên đến thời điểm hiện nay nhà báo Hồ Thị Lài, báo Giáo dục và Thời đại, phóng viên thường trú tại Nghệ An, vẫn cảm thấy ám ảnh.
Thời điểm đó, chị Lài đang đi công tác tại huyện Kỳ Sơn. Vào sáng sớm, chị đang ngủ thì nghe tiếng hét thất thanh, khi choàng tỉnh dậy thì nước lũ ập đến cuốn hết tất cả những thứ đang cản đường. Nước chảy quá nhanh nên mọi người hô hoán nhau tìm cách bỏ chạy. “Gần đến trưa nước rút, để lại hàng nghìn tấn bùn ngập đến đầu gối, vì vậy tôi bắt đầu lội vào bản nơi bị lũ tàn phá nhất để tác nghiệp. Lúc đầu, tôi cũng hơi sợ vì di chuyển một mình, lại là con gái, đồng nghiệp thì chắc chắn phải chiều tối mới đến nơi, không biết có xảy ra lũ quét lần nữa không,… Thế nhưng, tôi nghĩ đi được tới đâu thì tới đó nên cố thử xem”, chị Hồ Lài kể.
Gần 15 năm thường trú tại địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, nhà báo Hồ Thị Lài hiểu rằng kỹ năng tác nghiệp ở vùng nguy hiểm nhất thiết phải đi cùng nhóm để có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, nếu có được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng như bộ đội, công an… đi cùng, thì việc tác nghiệp sẽ an toàn hơn. “Tôi rơi vào trường hợp tác nghiệp giữa rốn lũ, không giống với việc tác nghiệp thường ngày nên phải một mình di chuyển. Lúc đó không kịp chuẩn bị gì, vì vậy ngoài việc dùng máy ảnh để chụp, thì việc sử dụng điện thoại thông minh để tác nghiệp giúp ích cho tôi rất nhiều, lại mang lại hiệu quả cao”, chị chia sẻ.
Mong muốn gửi tin tức, hình ảnh về cho cơ quan một cách sớm nhất mặc dù điều kiện tác nghiệp thiếu thốn, nữ phóng viên Hồ Lài đã ghi lại những cảnh quay ngắn để kịp gửi về cho đồng nghiệp ở cơ quan dựng. Dù hình ảnh không được sắc nét, nhưng những thước phim chị quay lại được giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra ở một xã miền núi bị cô lập vì mưa lũ.
Còn đối với nữ phóng viên Hoàng Hoa Lê, Ban đại diện miền Trung – Tây Nguyên, báo Quân đội Nhân dân, thường trú tại Nghệ An, động lực để vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy trong lúc tác nghiệp vùng lũ chính là những ánh mắt thất thần, cầu cứu của người dân đang trong cơn hoạn nạn. Khi mà số tài sản tích cóp cả đời của họ chỉ trong chốc lát đã bị cuốn theo dòng nước lũ.
Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin, nữ phóng viên Hoàng Hoa Lê cũng đã phải đưa con đến nhà ông bà để lập tức lên đường tác nghiệp. Hoàn cảnh của nữ phóng viên Hoa Lê hơi đặc biệt, khi chồng đi làm xa nhà, một mình chị chăm sóc con nhỏ. Vì thế, chị luôn muốn dành hết thời gian cho con, bù đắp sự thiếu vắng của bố. Tuy nhiên, do thường trú tại địa bàn rộng nhất cả nước với diện tích 3/4 là đồi núi nên những chuyến công tác của nữ phóng viên này thường phải kéo dài vài ngày.
Ngoài việc cập nhật thông tin nhanh, chính xác về tòa soạn, thì trăn trở nhất đối với những phóng viên hiện trường là chuyển tải được thông điệp đắt giá về những mất mát, đau thương mà người dân vùng tâm lũ đang phải gánh chịu. Không có niềm vui nào lớn lao hơn là khi mỗi bài viết của mình trở thành cầu nối để bạn đọc chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua tai ương. “Thật ấm lòng hơn khi những tấm ảnh, video chúng tôi tác nghiệp sau khi được đăng tải lên báo đã kết nối với nhiều đoàn từ thiện. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi càng thêm yêu nghề và đam mê, cống hiến nhiều hơn”, nữ phóng viên Hoa Lê cho biết.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tam-su-cua-nu-phong-vien-xong-pha-tac-nghiep-noi-ron-lu-a668871.html