+ Trên sóng VOV, có một chương trình rất độc đáo đứng tên một cá nhân đang công tác tại Đài. Đó là chương trình mang tên anh: “Tám Mai Văn Lạng – Tám chuyện Dân ca” và hiện tại đổi tên thành “Đối thoại dân ca”. Anh có thể chia sẻ thêm để độc giả biết về chương trình?
– Tôi vô cùng hạnh phúc bởi vì nói như lãnh đạo VOV thì suốt 78 năm thành lập (năm nay chuẩn bị 79 năm) mới có một chương trình mang tên một người. Tên chương trình “Tám Mai Văn Lạng – Tám chuyện Dân ca” không phải tôi nghĩ ra mà do Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng gợi ý cho Ban Âm nhạc để xây dựng chương trình này.
Tại sao là “Tám” chứ không phải là “Tán”? Từng có nhiều khán thính giả hỏi và tôi cũng đã trả lời. Bởi, người miền Nam thường hay nói là tám chuyện chứ không phải tán chuyện có vẻ hơi nam nữ và không nghiêm túc lắm. Tôi để từ “Tám chuyện” cho khác lạ đi, sau đó khán thính giả góp ý nên tôi đổi thành “Đối thoại dân ca”. Chương trình này có cấu trúc rất chặt chẽ, gần như Mai Văn Lạng làm chủ chương trình.
Chương trình gồm hai mảng chính: đối thoại với người dẫn chương trình, gồm 1-2 bạn phòng Dân ca là người hỏi, Mai Văn Lạng trả lời những vẫn đề xã hội, chủ yếu liên quan đến nhạc cổ truyền; đối thoại của Mai Văn Lạng với thính giả. Tôi có một số máy riêng 0961349068 để thứ Tư hàng tuần theo khung giờ 15h đến 16h, thính giả gọi điện vào đó. Người gọi có thể hỏi mọi vấn đề liên quan đến văn hóa, văn nghệ dân tộc và âm nhạc dân ca.
Tôi sẽ nghe thính giả hỏi và trả lời, sau đó trích câu trả lời ấy rồi đưa lên sóng tuyền hình gọi là cuộc đối thoại với thính giả. Sau phần đó là tin tức, sự kiện dân ca nhạc cổ truyền mà Mai Văn Lạng đi và đến gặp. Đặc biệt, ở mục mà thính giả hỏi qua thư tay mà có vấn đề trong dân ca (ví dụ: muốn hỏi nghệ sĩ A, nghệ sĩ B…, loại hình A, loại hình B về Chèo, Cải lương…), Mai Văn Lạng sẽ trả lời sâu hơn phục vụ thính giả.
Còn phần nữa rất hấp dẫn là đố vui. Mai Văn Lạng trả lời đố vui như: câu hỏi về một bài dân ca, một nghệ sĩ hát dân ca hay một cây đàn dân tộc… Rất vui mừng là từ ngày 1/1/2022, chương trình được lên sóng và đến nay đã duy trì được 2 năm rưỡi rồi. Chương trình nhận được sự phản hồi tích cực từ khán thính giả, bạn bè đồng nghiệp, người yêu quý, và nhiều người góp ý rất kỹ, từ đó chương trình ngày càng có được sự yêu mến.
+ Sự đặc biệt của “Tám Mai Văn Lạng – Tám chuyện Dân ca” là chương trình không có kịch bản, toàn bộ nội dung là những đối thoại hết sức tự nhiên giữa Mai Văn Lạng và biên tập viên hoặc giữa Mai Văn Lạng và thính giả. Trong quá trình thực hiện đối thoại với khán thính giả, hẳn anh cũng từng rơi vào những tình huống khó?
– Khi thực hiện chương trình “Tám Mai Văn Lạng – Tám chuyện Dân ca” và bây giờ là “Đối thoại Dân ca”, chúng tôi không hề có kịch bản. Tôi mong muốn những kiến thức mà tôi có được trong 30 năm gắn bó với Dân ca, với Chèo… được thả ra và quả thật được thả nhiều. Có nhiều khán thính giả hỏi những câu rất hay và tôi đã cố gắng trả lời bằng vốn liếng kiến thức tôi tích luỹ được sẵn. Ví dụ, một số thính giả hỏi về Thuý Kiều, hát Chèo Tầu có phải hát Chèo của Tầu không? Hay tại sao Chèo chưa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại…
Thú thật, may mắn là ngay từ lúc còn trẻ thì Mai Văn Lạng đã cố gắng tích luỹ bằng cách đọc sách, rồi lắng nghe ý kiến từ bạn bè, thế hệ đi trước… và chương trình này rất hợp với những gì tôi đang có. Dân ca là tình yêu của tôi, cho nên trước những câu hỏi của thính giả tôi trả lời tương đối thuận lợi.
Kỳ vọng của tôi là giúp thính giả am hiểu và yêu dân ca hơn, biết nhiều hơn về các vùng văn hoá về các nghệ sĩ, nghệ nhân và các loại hình nghệ thuật. Cũng vì thế mà kiến thức của mình dần dần được nâng lên, kiến thức về dân ca của thính giả nghe chương trình cũng được nâng lên.
+ Rất độc đáo, đặc biệt nhưng “Tám Mai Văn Lạng” cũng là dạng chương trình không dễ thực hiện. Bí quyết để làm nên một chương trình hấp dẫn đến thế là gì, thưa anh?
– Quả thật đây là chương trình khó nhưng thú vị. Có nhiều câu hỏi mà thính giả hỏi tôi rất khó trả lời, thậm chí là chịu và xin số để bổ sung kiến thức rồi mới trả lời sau. Đừng nghĩ thính giả kiến thức không có, nhiều thính giả rất giỏi, thậm chí nhiều TS, nhà báo, nhà giáo… gọi hỏi tôi như là một thính giả. Cho nên, trong quá trình tiếp thính giả tôi cũng nợ nhiều câu hỏi. Cũng có nhiều trường hợp thính giả nghĩ ra câu hỏi như thách đố, vặn vẹo Mai Văn Lạng. Ví dụ, có thính giả hỏi tại sao bảo Dân ca và Nhạc cổ truyền, nhưng chỉ thấy phát lời dân ca chứ không thấy nhạc đâu… Đó là những điều rất thú vị trong nghề của tôi.
Để làm nên một chương trình hấp dẫn, tôi nghĩ rằng bí quyết quan trọng nhất là mình phải hiểu thính giả, hiểu người ta cần gì, muốn gì. Muốn hiểu trước hết phải đặt mình vào vị trí của thính giả để biết phải hỏi và trả lời ra sao cho thoả mãn. Bản thân tôi thường nghe các đồng nghiệp VOV trò chuyện, đọc các báo của bạn bè đồng nghiệp khắp nơi và đặc biệt luôn luôn nghe thính giả, đọc thư của thính giả gửi. Gần đây, tôi đọc qua email và bây giờ tôi đọc qua các nền tảng mạng xã hội mà tôi đang sử dụng. Thính giả hỏi gì, mong muốn gì thì tôi cũng nắm tương đối về tâm tư, nguyện vọng của họ.
Tôi cũng đi nhiều nơi để tích luỹ kiến thức. Do vậy, tôi hiểu tâm lý của thính giả nên khi họ hỏi gần như tôi trả lời được hết. Tôi cũng chọn cách nói dân dã, không dùng ngôn ngữ gì đó cao siêu, nói chữ nói nghĩa, nói bóng nói gió mà nói chân thành, từ trái tim sẽ đi đến trái tim.
Tôi trò chuyện với thính giả bằng trái tim và tình yêu của mình. Hãy cứ khởi lên cho mình cái tình yêu thì người đối thoại với mình hẳn sẽ cảm nhận được thôi. Tôi nghĩ đó chính là yếu tố để chương trình hấp dẫn hơn.
+ Không chỉ là nhà báo, người thực hiện chương trình trên sóng VOV, còn được ví như một đại sứ kết nối, lan tỏa chèo đi khắp mọi miền Tổ quốc. Anh thấy nhận xét đó thế nào?
– Từ đại sứ rất là hay nhưng tôi chỉ là người kết nối thôi. Tôi kết nối giữa cá nhân với nghệ thuật Chèo, bà con nhân dân và kết nối giữa chương trình dân ca nhạc cổ truyền của VOV với nhân dân. Hai kết nối ấy là một, một mà hai.
Kết nối ấy ở nhiều khía cạnh, thứ nhất với tư cách là một nhà báo/phóng viên, tôi đến các địa phương, các vùng quê để gặp gỡ trò chuyện với bà con, rồi ghi lại những cảm xúc, giọng hát, tiếng đàn của bà con và lối diễn, vai diễn nữa. Thứ hai, là một nhà soạn giả, tôi luôn viết lời mới, viết những bài hát Chèo, viết những lời dân ca để cho bà con cùng hát, cùng gặp gỡ. Thứ ba, với tư cách là nhà nghiên cứu thì khi tôi đến các vùng quê ấy, tôi gặp gỡ, tìm hiểu về Chèo qua các làng quê, qua bà con. Thứ tư, với tư cách là người tổ chức sự kiện thì tôi đến giao lưu với người dân, thậm chí có những chương trình thì tham gia trực tiếp, đạo diễn cho các chương trình ấy.
Ở khía cạnh cá nhân, tôi cũng là người làm truyền thông ở trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook… Với 5 vai trò ấy, tôi được mọi người gọi là sứ giả, bởi tôi cứ đi đến hết vùng quê này đến vùng quê khác để lan tỏa dân ca cho mọi người.
+ Xin cảm ơn soạn giả Mai Văn Lạng!
Đình Trung (Ghi)
Nguồn: https://www.congluan.vn/soan-gia-nha-bao-mai-van-lang-lan-toa-dan-ca-cho-moi-nguoi-post300197.html