Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 từ Km 0+000-Km 32+000 với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 từ Km 32+000-Km 69+500 với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 từ Km 69+500-Km117+866 với chiều dài khoảng 48,5km, tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được khởi công vào ngày 18/6/2023, trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô-tô cao tốc, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Trong 3 dự án thành phần thì Dự án thành phần 2 từ Km 32+000-Km 69+500 với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản có địa hình phức tạp nhất với nhiều đồi núi cao, vực sâu khiến công tác thi công đối mặt với nhiều khó khăn nhất.
Chỉ riêng gói thầu XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu có tổng chiều dài 11km nhưng có 1 hầm với chiều dài 1,7km và 10 cây cầu với chiều dài 3,6km. Tuy nhiên, với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng của địa phương; của Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải và liên danh nhà thầu thi công, theo báo cáo Ban Điều hành gói thầu, đến nay mặt bằng nhà thầu được bàn giao là 10,7/11km, đạt 97%.
Hiện nay, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã huy động 250 nhân sự, 160 xe máy thiết bị, triển khai 12 mũi thi công bao gồm 2 mũi thi công hầm Phượng Hoàng, 5 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu, đường. Sản lượng thực hiện 80,5/3.083 tỷ đồng, đạt 2,6%. Để phục vụ thi công, đơn vị thi công phải sử dụng đá khoan từ hầm Phượng Hoàng để rải dọc đường dẫn vào khu vực Ban Điều hành dự án và nơi đang đào hầm để việc đi lại được thuận lợi hơn.
Theo kế hoạch đề ra đến ngày 31/12/2024, sản lượng thực hiện đạt 19%, dự kiến gói thầu được hoàn thành vào tháng 6/2027. Vì vậy, đại diện Ban Điều hành gói thầu kiến nghị chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bãi thải, nguồn vật liệu và nguồn điện để nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo tổ chức thi công thuận lợi trước khi mùa mưa tới.
Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cho biết, vướng mắc về nguồn điện ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện gói thầu. Để bảo đảm tiến độ, các nhà thầu đã chủ động tự bỏ kinh phí để đầu tư hệ thống đường dây 22kV và các trạm biến áp phục vụ thi công. Nhưng sau nhiều tháng hoàn thành, các trạm biến áp đến nay vẫn chưa được đóng điện. Nhiều máy móc thiết bị, cụm sản xuất vật liệu phải sử dụng máy phát điện để thi công, gây phát sinh phụ phí rất lớn cho nhà thầu.
Theo tính toán, tổng nhu cầu phụ tải của các nhà thầu trong Dự án thành phần 2 khoảng 20,6Mw. Tuy nhiên, khi Công ty Điện lực Đắk Lắk kiểm tra, phụ tải còn cấp được của đường dây cung cấp điện cho dự án chỉ khoảng 6,4Mw… Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng của địa phương cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Trong những ngày cuối tháng 6 này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có mặt nơi “thâm sơn cùng cốc” này và ghi lại những hình ảnh đang thi công thuộc gói thầu XL01, Dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột nối rừng và biển được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Dưới đây là những hình ảnh từ hiện trường:
Từ thành phố Buôn Ma Thuột, các phóng viên phải vượt gần 200km theo quốc lộ 26 và hàng chục km đường đồi dốc mới đến được khu vực đang thi công gói thầu XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu nằm trên địa bàn xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. |
Dự án thành phần 2 từ Km 32+000-Km 69+500 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản có địa hình phức tạp nhất với nhiều đồi núi cao, vực sâu khiến công tác thi công đối mặt với nhiều khó khăn nhất. |
Đến nay, mặt bằng gói thầu XL01 được bàn giao cho nhà thầu thi công là 10,7/11km, đạt 97%. |
Khu vực làm việc của Ban Điều hành dự án gói thầu XL01 được xây dựng ngay tại công trường giữa núi rừng trùng điệp. |
Phương tiện cơ giới, máy móc được nhà thầu tập kết phục vụ thi công gói thầu XL01 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Các xe vận tải vận chuyển đất san lấp mặt bằng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Nhà thầu thi công bạc đồi núi để làm cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột thuộc gói thầu XL01 Dự án thành phần 2. |
Nhà thầu thi công đang khoan nhồi để bắt cầu trên cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Sắt thép phục vụ thi công cầu thuộc gói thầu XL01 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã sẵn sàng. |
Một số cây cầu thuộc gói thầu XL01 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang được xây dựng. |
Gói thầu XL01 thuộc Dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện M’Đắk, tỉnh Đắk Lắk được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đi qua nhiều đối núi cao. |
Đặc biệt, trong gói thầu XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu có 1 hầm Phượng Hoàng với chiều dài 1,7km, đây là hầm dài nhất trên cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Sau hơn 1 tháng mở cửa hầm phía tây và tiến hành đào hầm, nhà thầu thi công đã đào được khoảng 50m dài cả 2 hầm phải và hầm trái. |
Tập đoàn Đèo Cả áp dụng phương pháp mới NATM của Áo để đào hầm Phượng Hoàng. |
Theo ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, phương pháp mới NATM của Áo đào hầm vừa nhanh, vừa có độ an toàn rất cao hiện nay trên thế giới. |
Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp trong hầm Phượng Hoàng, Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Các kỹ sư điều khiển máy khoan hầm Phượng Hoàng, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Các kỹ sư đào hầm Phượng Hoàng đều còn rất trẻ và chủ yếu là người Việt Nam. |
Các kỹ sư kiểm tra mũi khoan trong hầm Phượng Hoàng. |
Các kỹ sư làm việc trong đường hầm Phượng Hoàng. |
Cứ đào sâu vào 1m là phải gia cố vòm bằng sắt thép và phun bê-tông, sau đó tiếp tục đào hầm. |
Theo ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, việc đào hầm Phượng Hoàng thuận lợi do địa chất ở đây trong hầm toàn đá. |
Hầm Phượng Hoàng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột nhìn từ trong ra. |
Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giới thiệu khu vực liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu thi công. |
Nguồn: https://nhandan.vn/anh-o-noi-tham-son-cung-coc-dang-lam-cao-toc-noi-rung-va-bien-post815528.html