Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, quyết liệt, sống còn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị. Trong cuộc đấu tranh đó, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, thực sự là “vũ khí sắc bén” của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, quyết liệt, sống còn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị. Trong cuộc đấu tranh đó, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, thực sự là “vũ khí sắc bén” của Đảng, Nhà nước và nhân dân. |
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động
Các thế lực thù địch, phản động hiểu rất rõ muốn chuyển hóa, khuất phục Việt Nam, thì điều kiện tiên quyết là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng đẩy mạnh tấn công trực tiếp vào những vấn đề nền tảng như đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất nguyên chính trị, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… nhằm gây hoang mang, dao động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thế lực thù địch, phản động sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông, với hàng chục đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, hàng trăm tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, phát hành các ấn phẩm, “tác phẩm văn học” độc hại để dễ thẩm thấu, lan truyền theo kiểu “mật ngọt chết ruồi”, dựng chuyện vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử, quan hệ ngoại giao, hội nhập quốc tế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Việt Nam… Chúng khai thác, tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, không gian mạng, điện thoại thông minh, sử dụng hàng ngàn website, blog… liên tục phát tán, đưa thông tin giả, cắt ghép, xấu độc… đến từng nhà, từng người.
Thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước là “đấu đá nội bộ, phe phái”. Lợi dụng, cường điệu mặt tiêu cực, các khuyết điểm, hạn chế, quy kết tham nhũng là bản chất của chế độ chính trị, sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến đất nước chậm phát triển… Từ đó phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam về vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng, xây dựng “xã hội dân sự”…
Đồng thời, chúng tấn công trực diện, vu cáo Đảng, Nhà nước “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, âm mưu “phi chính trị hóa báo chí”, tách báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm cho báo chí mất phương hướng chính trị, suy giảm tính chiến đấu.
Đối tượng chủ yếu mà thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm vào là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, cán bộ đương chức, hưu trí suy thoái, biến chất, bất mãn, thế hệ trẻ…; lợi dụng ảnh hưởng của họ để lan truyền, tác động lớn đến toàn xã hội, người lao động.
Với hơn 79,1% người dân Việt Nam sử dụng Internet và có thời điểm 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch coi đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, tận dụng. Thế lực thù địch, phản động kết hợp công nghệ, phương tiện truyền thông hiện đại với thủ đoạn tung tin đồn, xen lẫn thật hư, nói nhiều, nói đi, nói lại để “lộng giả thành chân”. Qua đó, dẫn dắt, hướng lái dư luận, gây hoài nghi, mất cảnh giác, hoang mang, dao động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Nâng cao tính chiến đấu, sự sắc bén, tính thuyết phục và hiệu quả
Trong những năm tới, hoạt động chống phá diễn ra với cường độ cao hơn, tốc độ nhanh, phức tạp, tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn. Báo chí càng phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cao hơn, phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, thách thức. Ý chí, quyết tâm cần thiết nhưng chưa đủ. Báo chí cần bản lĩnh hơn, trí tuệ hơn, khoa học hơn, nhạy bén hơn, kịp thời hơn, tính chiến đấu, thuyết phục, hiệu quả cao hơn.
Trước yêu cầu của tình hình mới, báo chí cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí, thông qua đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, những định hướng lớn, nội dung tư tưởng và công tác cán bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Nghị quyết 35 NQ-TW (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, thể chế hóa thành hệ thống pháp luật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí trong tình hình mới, nhất là với báo điện tử, mạng xã hội…
Hai là, xây dựng, nâng cao chất lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, truyền thông theo hướng tinh, gọn, chất lượng, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, coi trọng học tập ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ số.
Ba là, kết hợp chặt chẽ, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền và đấu tranh trực diện với các luận điệu sai trái, thù địch. Chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh đấu tranh trực diện, kịp thời, hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch, nhất là trên mạng xã hội. Tổ chức lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, trực tiếp đấu tranh làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các loại hình báo chí, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành; phát huy vai trò của chuyên gia, cộng tác viên, cả trong nước và quốc tế, hình thành “thế trận” đấu tranh rộng khắp, chặt chẽ và thống nhất.
Bốn là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực cả nhân lực, vật lực cho cơ quan báo chí, truyền thông, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho báo chí mà không để bị phai nhạt lý tưởng, bị thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích, đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí trong điều kiện mới, hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.
* * *
Trong gần một thế kỷ xây dựng, phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành trọng trách, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; là “vũ khí sắc bén” góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hành trình không ngưng nghỉ. Dừng lại, chậm lại là tụt hậu. Với vai trò quan trọng đặc biệt, báo chí càng phải nỗ lực vươn lên, vượt qua thách thức, đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.