Vụ một trẻ mầm non tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình, một lần nữa cảnh báo về việc đảm bảo an toàn cho học sinh.
Vụ trẻ bị bỏ quên trên xe, nhiều người cho rằng nên gắn camera giám sát trên xe đưa đón học sinh. (Nguồn: Dantri) |
Nhiều ý kiến được nêu, nhiều giải pháp được đưa ra, nhằm tối đa môi trường sống an toàn cho trẻ. Điều đáng nói, theo lời người bà, đứa trẻ ngồi ngay sau ghế lái vậy mà vẫn bị… bỏ quên. Cô giáo được trang bị điểm danh nhưng dù phát hiện sự vắng mặt của học sinh cũng không liên lạc thông báo với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân.
Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, tỉnh Thái Bình cũng đã yêu cầu xây dựng ngay quy trình đưa đón trẻ. Đây là việc làm cần thiết nhưng điều chúng ta hướng đến là ý thức của con người. Không có những con người tắc trách, thiếu trách nhiệm chắc chắn môi trường của trẻ sẽ an toàn hơn.
Trước đó, tháng 8/2019, tại Hà Nội, một bé trai trường Gateway cũng qua đời vì bị bỏ quên trên xe trong ngày tựu trường. Tháng 9/2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh nhưng rất may đã kịp thời được cứu sống. Năm 2020, một nam sinh ở Hà Nội cũng bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón, sau khi tỉnh ngủ, bé đập cửa và được giải cứu.
Sau sự việc đáng tiếc, các trường học có thể chủ động trang bị công cụ giám sát an toàn trên xe đưa đón của mình. Tuy nhiên, mọi quy trình và công nghệ cũng chỉ là hệ thống hỗ trợ, để giảm thiểu sơ suất gây ra do sự vô trách nhiệm của con người. Ý thức của con người phải là yếu tố then chốt, quyết định.
Có người nói, “tài xế, người đưa đón trẻ, cô giáo phải hiểu rằng, họ mang lên xe một con người nên không được phép bỏ quên”. Cũng có ý kiến, vụ việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe dẫn tới tử vong hoàn toàn lỗi của người lớn. Do đó, cần tập trung giải pháp với người lớn, nhất là người trực tiếp đưa đón học sinh.
Thật vậy, với sự phát triển của công nghệ giám sát hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cho lắp đặt các thiết bị an toàn trên xe đưa đưa đón học sinh. Trong môi trường giáo dục và việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ, máy móc, công nghệ dùng để giám sát trẻ cũng chỉ là công cụ bổ trợ, hoàn toàn chẳng thể thay thế được ý thức, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của con người.
Hướng đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em, người lớn sẽ phải nhìn lại chính mình, điều chỉnh chính mình. Việc đảm bảo được một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả người lớn. Điều này cũng đã được quy định rất rõ trong các dự án luật liên quan đến trẻ em, trong Công ước quốc tế quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những quốc gia ký từ rất sớm.
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hằng năm, riêng tai nạn đuối nước cũng đã cướp đi trên dưới 2.000 sinh mạng trẻ em. Tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em vẫn nhiều, trong đó có những tai nạn thương tích xảy ra ở gia đình, có những tai nạn thương tích xảy ra ở nhà trường, nạn bạo hành trẻ em, xâm hại trẻ em cũng vẫn còn tồn tại với con số báo cáo hàng năm đáng báo động… Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực sự chú trọng hơn đến việc tạo một môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em.
Hiện nay, trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chuẩn bị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cũng đã có các quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về xe đưa đón học sinh. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng xung quanh câu chuyện này, cho rằng nên siết lại xe đưa đón, nghiên cứu áp dụng lắp đặt camera giám sát trên xe đưa đón. Tất cả các biện pháp nào có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ em đều cần thiết nghiên cứu, thử nghiệm. Nhưng con người vẫn giữ vai trò then chốt trong hành trình đưa đón, chăm sóc, giáo dục trẻ, để không còn một học sinh nào bị bỏ quên. Chỉ một sai sót, lơ là của người lớn thôi cũng sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Bởi cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở con người, ở trách nhiệm với công việc và sự cẩn trọng của từng người, từng vị trí. Gắn bao nhiêu thiết bị, trang bị bao nhiêu công nghệ đi nữa, nếu chỉ để đối phó và cho đủ điều kiện thì cũng vô nghĩa mà thôi…
Nguồn: https://baoquocte.vn/vu-tre-bi-bo-quen-tren-xe-cong-nghe-giam-sat-nao-hon-y-thuc-trach-nhiem-cua-con-nguoi-273312.html