Nhiều ông lớn “đổ bộ”, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tiếp sức Tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam |
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm làm rõ một số nội dung trong thẩm định Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, địa phương xác định xây dựng, phát triển Ninh Cơ trở thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế tỉnh Nam Định. Các cơ chế, chính sách đối với khu kinh tế minh bạch, thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp, người dân.
Hiện, nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước đã và đang tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất được đầu tư các dự án vào trong Khu kinh tế Ninh Cơ. Song song với việc lập Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nam Định “dọn đường” cho phát triển công nghiệp |
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định cũng đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hải Long (huyện Giao Thủy) và quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Hồng (huyện Nam Trực).
Theo đó, Khu công nghiệp Hải Long có quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.320ha; quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 1.100ha, có tính chất đa ngành; thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Nam Hồng quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 200ha cũng có tính chất đa ngành; thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.
Có thể thấy, từ sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2035, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Nam Định đã “rốt ráo” triển khai thực hiện. Trong đó, việc nhanh chóng chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp, các dự án công nghiệp mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Riêng thời kỳ 2021-2030, Nam Định tiếp tục khai thác 6 khu công nghiệp đã được thành lập. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh- Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đơn vị này đã phối hợp với các ngành nỗ lực thu hút đầu tư, hỗ trợ tối đa, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, để chủ đầu tư triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Kịp thời tiếp nhận và hỗ trợ xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các dự án được triển khai thực hiện nhanh, sớm đi vào hoạt động và bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả.
Với những nỗ lực đó, tính đến trung tuần tháng 5/2024 Nam Định đã thu hút, khoảng 240 triệu USD vốn đầu tư, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm. Nguồn vốn chủ yếu đến từ các dự án nước ngoài được đầu tư bởi những tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, như: Dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao tại Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng có tổng vốn trên 100 triệu USD; dự án Sản xuất các sản phẩm dệt may theo chuỗi như sản xuất sợi – dệt vải – may mặc – hoàn thiện do Tập đoàn Crystal đầu tư tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tổng vốn 60 triệu USD.
Khu công nghiệp Rạng Đông thu hút lượng dự án đầu tư lớn của tỉnh Nam Định |
Sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Nam Định bước đầu hiện thực hoá bằng kết quả sản xuất công nghiệp khả quan và tăng theo từng tháng. Theo số liệu thống kê, tháng 5/2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,70% so với tháng trước và tăng 13,44% so với cùng kỳ năm 2023. Năm tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,72% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức tăng cao nhất từ 2019 đến nay.
Đáng chú ý, sản xuất trang phục và dệt có chỉ số sản xuất cao so với cùng kỳ là nhờ năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 60-70%, như: Công ty Cổ phần may Sông Hồng, Công ty TNHH Youngone Nam Định.
Hay như Công ty TNHH Top Textiles tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông sau thời gian vận hành thử đã ổn định sản xuất và xuất đi những lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi, vải của Tập đoàn Toray, Nhật Bản có tổng công suất dự kiến của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét khối vải trên 1 năm.
Như vậy, Nam Định đã và đang “dọn đường” cho ngành công nghiệp của tỉnh phát triển, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GRDP chiếm trên 50%. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp truyền thống theo hướng tập trung vào các sản phẩm có đặc thù riêng, sản phẩm cao cấp, tham gia vào chuỗi giá trị. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, có tiềm năng, công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Nguồn: https://congthuong.vn/nam-dinh-don-duong-cho-phat-trien-cong-nghiep-325332.html