Cuối tháng 5 vừa qua, ngay khi kết thúc năm học, nhóm đồng hành “Đi để hiểu” của Câu lạc bộ Màu xanh ở Hà Nội đã có hành trình “Thắp lửa tri ân” ở tỉnh Quảng Trị. Nhóm tập hợp được 105 thành viên, phần lớn là học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều cha mẹ, ông bà cũng tham gia, trong đó có tám cựu chiến binh và thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ Hà Nội, đoàn đi tàu vào Quảng Trị, rồi ra đảo Cồn Cỏ. Tại đây, đoàn thực hiện nghi lễ chào cờ, thăm và tặng quà các học sinh Trường mầm non và tiểu học Hoa Phong Ba; nghe những chiến sĩ Hải quân kể chuyện chiến đấu giữ đảo, chuyện những thanh niên xung phong tình nguyện ra đảo xây dựng cuộc sống mới…
Trở lại đất liền, đoàn làm lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Đền thờ vọng liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; thăm địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, ngôi nhà bom, trang trại dó bầu…
Nhiều thành viên trong đoàn khóc vì xúc động khi lần đầu được hát quốc ca dưới chân cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ, thắp hương lên những ngôi mộ liệt sĩ trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; được sờ tận tay vào vỏ của những quả bom mang sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, được thăm ngôi làng dưới lòng đất ở địa đạo Vịnh Mốc…
“Tôi muốn đưa các con đến đây để thấu hiểu nỗi đau chiến tranh, sự hy sinh, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường và khát vọng thống nhất non sông của thế hệ ông cha, để các con hiểu được giá trị của hòa bình và cuộc sống hôm nay” – Chị Nguyễn Thị Quyết, mẹ của em Lê Duy Kiên, Trường THCS Trưng Vương cho biết.
Hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục đang là xu hướng được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trong kỳ nghỉ hè. Chị Nguyễn Quỳnh Trang, một người có kinh nghiệm điều phối và xây dựng nội dung các khóa học hè cho học sinh, chia sẻ: Những năm trước đây, kỳ nghỉ hè là dịp để cha mẹ tăng cường các lớp học thêm nhằm củng cố và nâng cao kiến thức các môn văn hóa cho con. Tuy nhiên, hiện nhận thức của họ đã có nhiều thay đổi. Cùng với việc học văn hóa, cha mẹ muốn hướng cho con đến các hoạt động rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu, bồi dưỡng tâm hồn và giúp con có những trải nghiệm thực tế. Những mô hình trại hè giúp cân đối giữa học tập, hoạt động thể chất và trải nghiệm thực tế; giữa sinh hoạt vui chơi và lao động, làm việc nhà; những khóa học nuôi dưỡng sự tự tin, nuôi dưỡng lòng biết ơn… đang được nhiều phụ huynh quan tâm, lựa chọn cho con mình tham gia, giúp các con có một mùa hè vừa vui tươi, giảm áp lực học tập, vừa bổ ích, lý thú.
Bác Vũ Thanh Hà, một sĩ quan công an nghỉ hưu, vì tình yêu con trẻ đã thành lập nhóm đồng hành “Đi để hiểu” cho biết: “Qua những chuyến đi trải nghiệm thực tế, tìm hiểu lịch sử, thiên nhiên, tham gia các hoạt động thiện nguyện, các con không chỉ được bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện, phát triển kỹ năng sống, mà còn học cách sẻ chia và lan tỏa tình yêu với cộng đồng. Tôi luôn tin rằng, những đứa trẻ được vun đắp tình cảm nguồn cội, gắn bó với quê hương, đất nước, con người, lớn lên với cảm xúc tự hào, biết ơn lịch sử dân tộc thì chắc chắn sẽ trưởng thành, vững vàng hơn”…
Cuối tháng 3 vừa qua, gần 100 học sinh và phụ huynh nhóm đồng hành “Đi để hiểu” đã có chuyến đi trải nghiệm từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Bác Thanh Hà chia sẻ: “Dù từ Hà Nội lên Điện Biên không đến một giờ bay nhưng chúng tôi lại chọn đi bằng đường bộ để các con tận mắt nhìn thấy con đường năm xưa lớp lớp ông cha kéo pháo, thồ hàng, vượt qua bao dốc núi cao, vực sâu, đầy hiểm trở, bằng những đôi tay trần trầy da, những đôi vai rướm máu, những đôi chân phồng rộp, tím ngắt dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù. Chuyến đi trải nghiệm giúp các con cảm nhận được phần nào những hy sinh, gian khổ của ông cha trong cuộc kháng chiến chín năm làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu-chấn động địa cầu”.
Một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa là học sinh không rong chơi hay miệt mài trong các lớp học thêm, là học sinh cần được nghỉ ngơi sau một năm học vất vả, đồng thời bổ sung những kỹ năng, kiến thức mới từ các hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Mỗi chuyến đi thực tế, sẽ giúp các em khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, đất nước, được tìm hiểu, học hỏi và thực hành, từ đó thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và những cảm xúc tích cực.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chia sẻ: “Tôi luôn mong rằng, dù trải nghiệm trại hè ở nơi nào thì trẻ em và câu chuyện của trẻ em vẫn là trung tâm của mọi hoạt động. Hiệu quả của một trại hè chính là sự trưởng thành mà ta thấy được dù chỉ qua một khoảng thời gian không dài”.
Nguồn: https://nhandan.vn/giao-duc-bat-dau-tu-trai-nghiem-post813903.html