Trên đây là ý kiến của Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao- Bộ Công an, tại Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với 63 tỉnh thành.
Sử dụng AI để gian lận thi cử
Theo ông Mạnh, chuẩn bị cho kỳ thi, công an các địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều đợt truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về kỳ thi.
Qua kiểm tra, một số địa phương còn vướng mắc về đảm bảo an ninh an toàn cho thí sinh, chẳng hạn chưa có nơi để đồ dùng cá nhân cho thí sinh đảm bảo cách phòng thi 25m, nơi để xe hoặc một số nhà dân còn vi phạm khoảng cách hành lang an toàn cho các địa điểm thi.
Trước tình hình này, ông Mạnh đề xuất, có thể cho các em để phương tiện giao thông ngoài cổng trường, tuyên truyền để thí sinh hạn chế tối đa việc mang các vật dụng không cần thiết khi đi thi.
Cũng theo ông Mạnh, việc vi phạm gian lận thi cử càng ngày càng phức tạp, hiện ở nhiều quốc gia có tình trạng sử dụng AI để gian lận thi cử. Các thiết bị này được kết nối với tai nghe camera…, thậm chí cài kỹ trong đế giày rất tinh vi, khó phát hiện. Do vậy, theo ông Mạnh, các địa phương cần tập huấn kĩ nhằm đề phòng tội phạm công nghệ cao trong gian lận thi cử.
Về việc xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến kỳ thi cũng được thiếu tướng Mạnh đưa ra. Theo ông Mạnh, cần xử lý nghiêm các đối tượng này, tránh ảnh hưởng không tốt đến kỳ thi.
Về công tác y tế, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, đơn vị này sẵn sàng triển khai các kịch bản cứu hộ cứu nạn, cấp cứu thảm họa, kiểm soát dịch bệnh không để lây lan… Để thuận tiện hơn, ông Dương đề xuất các cán bộ y tế trực trong khuôn viên trường để dễ cấp cứu khi có sự cố.
Hơn 66.000 thí sinh miễn thi ngoại ngữ
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết kỳ thi năm nay chủ yếu giữ nguyên như những năm trước. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Theo đó, các hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ GD&ĐT đã triển khai 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị của 20 sở GD&ĐT.
Qua theo dõi cho thấy, các địa phương đã huy động các sở, ban, ngành phối hợp chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan tới kỳ thi.
Kỳ thi chỉ diễn ra trong hai ngày nên các địa phương đã có phương án và lên kịch bản ứng phó với các sự cố về giao thông, Y tế, điện lực…
Mặc dù vậy qua kiểm tra cho thấy một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương. Chẳng hạn điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn, hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi.
Trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác…
Trước đó, các sở GD&ĐT đã tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng ký dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Năm 2024, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái.
Có 46.978 thí sinh tự do, chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Trong đó, thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 em, chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ là 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh (trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; TPHCM có: 13.076 thí sinh).
Tổng số điểm thi: 2.323 (tăng 51 điểm thi so với năm 2023) và 45.149 phòng thi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/canh-bao-su-dung-ai-cai-thiet-bi-gian-lan-thi-cu-trong-de-giay-rat-tinh-vi-20240620095743704.htm