TPO – Vừa tham gia bảo vệ môi trường rừng, vừa có điều kiện phát triển chăn nuôi, kinh tế của nhiều hộ gia đình ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu (Lai Châu) ngày một khấm khá.
Anh Má A Phình ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu là tấm gương tiêu biểu làm giàu từ rừng. Sinh ra lớn lên tại bản Sùng Phài 2, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, Mã A Phình luôn có ý thức nỗ lực trong việc vươn lên phát triển kinh tế bản thân và gia đình sớm thoát nghèo.
Nhận thấy cuộc sống quanh mình gắn liền với rừng, chính vì vậy, việc bám vào rừng để phát triển kinh tế được Mã A Phình xác định từ những ngày đầu lập nghiệp. Năm 2002, Mã A Phình đã mạnh dạn đề xuất để được bảo vệ 17ha và năm sau, anh tiếp tục nhận thêm 13ha nâng tổng số diện tích rừng mình nhận lên hơn 30ha.
Gia đình anh Mã A Phình đã mạnh dạn đề xuất để được bảo vệ 30ha rừng. |
Vào thời điểm đó, bất kể ai nghe cũng đều cho rằng quyết định này của anh là mạo hiểm khi việc bảo vệ diện tích rừng này khi đó đem lại lợi ích rất thấp. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo vệ rừng của mình, anh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong huyện, vận động bà con nhân dân trong bản tham gia vào công tác bảo vệ rừng.
Vì vậy, kể từ khi được anh bảo vệ, những cánh rừng đã không còn bị chặt phá như trước. Cùng lúc đó, với suy nghĩ, đồi núi chỉ có trồng rừng, bám rừng mới đem lại hiệu quả kinh tế lớn, anh đã đảm bảo cho cuộc sống của gia đình. Anh hiểu rằng, lâu dài, trồng rừng có rất nhiều lợi ích, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa thu lợi nhuận cao.
“Với diện tích rừng được giao lớn, cứ 3, 4 ngày tôi lại vào khu vực rừng được giao để kiểm tra, khoanh vùng. Ngoài dọn dẹp bảo vệ môi trường rừng, tôi còn giám sát những người lạ mặt xuất hiện trong khu rừng được giao. Đặc biệt, khi mùa khô đến gần, tôi phải thường xuyên có mặt để giám sát những người đốt lửa tìm ong, hay những hộ dân đốt nương rẫy gần đó để báo cáo Kiểm lâm giải quyết. Hay mỗi khi có dự án mới triển khai, tôi sẽ trồng cây xen kẽ vào khu vực được giao trông coi”, anh Phình cho biết.
Để phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, anh luôn suy nghĩ phải tìm ra một nguồn thu khác để đảm bảo cuộc sống gia đình. Với số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm được chi trả, anh đã tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi gà và vịt của gia đình. Đến nay, đàn gia cầm của gia đình anh đã có trên 1.000 con. Cùng với việc nuôi lợn nái, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh còn là điển hình gương mẫu trong việc tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Đàn gia cầm của gia đình anh đã lên đến hàng nghìn con. |
Được biết, những năm vừa qua, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ở Lai Châu đã xuất hiện bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính cho người dân gắn liền với lâm nghiệp. Song song với đó, chính sách này cũng góp phần thúc đẩy những tấm gương làm giàu từ rừng, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Đại diện lực lượng Kiểm lâm tại địa bàn xã Sùng Phài thành phố Lai Châu đánh giá, nhờ có chính sách chi trả môi trường rừng mà ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng được nâng lên. Qua các năm, không có hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi, không có cháy rừng. Với diện tích bảo vệ rừng lớn như hộ như gia đình anh Phình được chi trả từ 50 – 70 triệu/năm. Những hộ này còn biết vận dụng nuôi gia cầm (gà, ngan) rất hiệu quả, góp phần nâng cao kinh tế gia đình.
Với sự nỗ lực, kiên trì của bản thân và gia đình trong công tác bảo vệ phát triển rừng đối với những diện tích mình được giao khoán, từ nhiều năm nay, cánh rừng nơi gia đình anh Phình sinh sống chưa có vụ cháy rừng, cũng như phá rừng nào xảy ra.
Nguồn: https://tienphong.vn/song-khoe-nho-vua-bao-ve-rung-vua-chan-nuoi-duoi-tan-rung-post1563768.tpo