Nửa đầu năm 2024, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam phục hồi khá. Quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023 và quý II/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%.
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Một góc TP. Hồ Chí Minh chụp từ trên cao. (Nguồn: Getty Images) |
Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định như vậy trong Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”.
Hội thảo công bố báo cáo diễn ra sáng nay (20/6), tại Hà Nội.
Tín hiệu tích cực của chính sách “bình ổn”
Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 đã đưa ra góc nhìn về tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và thấp hơn khoảng 1% so với mức trước đại dịch Covid-19.
Trong nửa đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội được cải thiện (tăng 5,2%) nhờ vốn đầu tư của dân cư và tư nhân và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi tích cực. Mặc dù lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới đã giảm, nhưng do nền tốc độ cải thiện của nền kinh tế chậm nên tâm lý đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thận trọng.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, kỳ vọng đóng góp tích cực cho tốc độ tăng trưởng GDP các quý tới của năm 2024 và ổn định kinh tế vĩ mô.
Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Nhóm VEPR dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa dự kiến tiếp tục có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) các quý còn lại nhờ tình hình kinh tế cải thiện ở các đối tác xuất khẩu lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản … và kỳ vọng nới lỏng tiền tệ trên diện rộng sẽ kích thích nhu cầu hàng hóa cả tiêu dùng và sản xuất.
“Năm nay, ổn định kinh tế vĩ mô chịu áp lực lớn từ đà tăng lạm phát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá tiêu dung (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Mức tăng lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ hỗ trợ lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ”, nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định trong báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024.
Cũng trong nửa đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Thị trường xuất hiện các dấu hiệu cho thấy, chính sách tiền tệ nới lỏng không hữu hiệu như kỳ vọng với khu vực kinh tế thực không hấp thu tốt dòng vốn có lãi suất thấp trong khi thúc đẩy đầu cơ trở lại thị trường chứng khoán và bất động sản, dòng tiền tiết kiệm trong dân cư đổ vào vàng, dự trữ ngoại tệ, làm suy giảm năng lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Song song với đó, nhu cầu USD trên thị trường tự do, phi chính thức và dòng tiền đầu tư vào tài sản tài chính USD trên thị trường quốc tế cao bất thường trong nửa đầu năm 2024. Trong tháng 4 và tháng 5/2024, tỷ giá nhiều thời điểm đạt kỷ lục 25,500 VND/USD.
Nhóm dự báo, tỷ giá VND/USD nhiều khả năng tiếp tục neo cao trong các tháng còn lại của năm 2024, tỷ giá trung tâm tiếp tục được niêm yết trên 24.000 VND/USD do đồng USD vẫn còn dư địa tăng và cầu trên thị trường tự do về USD trong nước diễn biến phức tạp.
Tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi những yếu tố như: Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực và các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt. |
Về giá vàng, VEPR cho rằng, giá vàng thế giới tăng mạnh do lo ngại xung đột địa chính trị gia tăng, bất ổn kinh tế vĩ mô và đặc biệt là nợ công mở rộng quá mức tại Mỹ và toàn cầu. Trong nước, giá vàng cũng tăng như vũ bão.
Giai đoạn đầu tháng 5 khi giá vàng miếng trong nước liên tiếp xô đỉnh, chênh lệch giá vàng có thời điểm chạm mốc 20 triệu đồng/lượng. Nhưng đến 6/6/2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 3,98 triệu đồng/lượng.
“Đây là những tín hiệu tích cực của chính sách ‘bình ổn’ và thu hẹp dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới”, nhóm nghiên cứu nhận định.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội giao khó có thể đạt được trong năm 2024. |
Khó đạt mục tiêu 6,5%
Trao đổi bên lề hội thảo với phóng viên TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho rằng, theo nghiên cứu, mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội giao khó có thể đạt được trong năm 2024 bởi 4 nguyên nhân như:
Thứ nhất, có sự thu hẹp trong khu vực công.
Thứ hai, cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ ba, tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm 2024 được thúc đẩy rủi ro lạm phát.
Thứ tư, giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Theo Phó viện trưởng VEPR, nhóm nghiên cứu đề ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Trong đó, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6% năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm 2024.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Việt đánh giá, kịch bản này đạt được với một số giả định đạt mục tiêu như: Cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD; đầu tư khu vực tư nhân tăng 12% so với năm 2023 và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này có thể bù đắp cho tiêu dùng và đầu tư chậm lại từ khu vực công.
Với kịch bản điều chỉnh chính sách, GDP 2024 ở mức 6.01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
“Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.
Phó viện trưởng VEPR khẳng định, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
TS. Nguyễn Quốc Việt dự báo: “Tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi những yếu tố như: Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực và các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt”.
TS. Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng chậm năm 2023, với hoạt động sản xuất bắt đầu được cải thiện nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn vốn FDI ổn định. Song, cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang tụt hậu so với mức trung bình trước dịch Covid-19. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-6-thang-cuoi-nam-2024-ky-vong-tang-truong-tot-hon-so-voi-cung-ky-nam-truoc-275674.html