Tuy đã ở tuổi 73, bị đau ốm phải vào bệnh viện nhiều lần, nhưng nhà báo lão thành này vẫn cho ra đời tập tự truyện “Chuyện đời tôi” khá hấp dẫn dày gần 700 trang. Và hôm nay, ngồi bên nhau, anh kể cho tôi về chuyện đời, chuyện nghề khá thú vị, đúng vào dịp cận kề ngày lễ trọng đại của báo giới Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hương Đại, một xã miền núi nghèo của Hà Tĩnh, quanh năm làm bạn với đói – nghèo, ngoại trừ giỗ, tết, còn ngày thường, anh chưa thấy nhà có nồi cơm gạo trắng bao giờ. Nghèo khó đến mức cái nhà gỗ quý giá, nơi che nắng, che mưa của gia đình do công lao cha anh bỏ ra mấy tháng trời, đọa đày trong rừng thiêng nước độc mới dựng nên, cũng phải bán đi để chữa chạy bệnh tật cho ông và nuôi các con ăn học. Sau đó, cả nhà anh phải sống trong cái chuồng trâu mua lại của một gia đình xóm bên, cha anh chặt thêm mấy cây trong vườn, gia cố thêm cho đỡ chật chội.
Nhà nghèo, lại đông chị em, nên nhà báo Thái Ngụ sớm phải làm việc như một người lớn. 7 tuổi anh đã phải chăn trâu, cắt cỏ, chui luồn vào khe Lành, khe Bàn, khe Trùa vắng vẻ, thú rừng rình rập để lấy măng giang, măng nứa về cho nhà ăn và bán kiếm tiền.
Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nổ ra, việc học hành của nhà báo Thái Ngụ và bạn bè trở nên vô cùng vất vả. Ngày cấp 2 đã phải đi bộ 3 – 4 cây số để đến trường, phải tự đào giao thông thông hào, làm hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Lên cấp 3 phải sơ tán theo trường 2 – 3 lần, gần thì dăm cây, xa thì đến vài chục cây số. Thi tốt nghiệp xong, chưa màng đến việc đậu hay không, Thái Ngụ với đùm cơm nắm, kèm cà muối mặn chát và một bình nước chè, hằng ngày vào rừng chặt nứa để được hợp tác xã (HTX) tính công điểm, làm nghĩa vụ quốc phòng. Anh kể, chỉ còn 2 ngày nữa thi đại học, anh vẫn còn phải vào rừng chặt nứa, dùng xe trâu kéo ra bến sông xa 4 – 5 cây số giao cho HTX lấy công điểm để đến vụ có lúa mà ăn.
Nhờ học giỏi đều các môn ngay từ cấp 2, đặc biệt là môn văn, năm 1971, nhà báo Thái Ngụ thi đỗ đại học và trở thành anh sinh viên lớp Văn 1, khoa Ngữ Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 15. Như một sự ngẫu nhiên, nghề báo đã chọn anh và anh đã đi trọn cuộc đời với nó. Số là, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, anh phải theo học khóa Sĩ quan dự bị tại Trường Chính trị quân đội. Tháng 1/1980 trở lại trường cũ thì được biết hồ sơ của mình đã được Ban Tuyên huấn Trung ương chuyển về Trường Tuyên huấn TW 1 Hà Nội, anh được xếp vào lớp Đại học Báo chí khóa 4.
Bài báo giấy đầu tiên của anh viết trong lần đi thực tập năm thứ nhất tại Xí nghiệp Sứ của tỉnh Thanh Hóa, là bài: “Xí nghiệp Sứ: Chủ động giải quyết vấn đề nguyên liệu cho sản xuất”. Tiếp theo là phóng sự: “Sản phẩm từ sự chủ động sáng tạo” viết về sản phẩm mới của HTX tiểu thủ công nghiệp Minh Thành. Cả 2 bài được đăng trên báo Thanh Hóa và được Ban Biên tập khen ngợi, biểu dương.
Mở đầu sự nghiệp báo chí khá suôn sẻ, giúp nhà báo Thái Ngụ vững tin hơn vào đợt thực tập kỳ cuối, tại Báo Hà Sơn Bình trước khi làm khóa luận tốt nghiệp. Anh hăng hái tả xung hữu đột khắp công trường Thủy điện Hòa Bình và cho ra đời loạt bài ghi nhanh nóng hổi “vừa thổi vừa đọc” như: “Một ngày trên công trường Sông Đà”; “Tập trung thi công nhanh kênh đào bờ phải”; “Khí thế chiến dịch ngăn sông”; những gương sáng của công nhân như: “Người thanh niên Phùng Xá trên công trường Thủy điện Hòa Bình”; “Một đảng viên xuất sắc”…
Các bài gửi về đều được tòa soạn đón nhận, đăng tải ngay trong các số báo Hà Sơn Bình. Điều anh mừng nhất là 2 trong số những điển hình mà anh nêu gương, sau đó được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là cô gái lái máy xúc hạng nặng Ekage – Lê Thị Ngừng và dũng sĩ lái xe Benla Đào Công Chững.
Trong cuộc đời làm báo, đây là thời kỳ anh thật sự nhiệt huyết, xông xáo, sâu sát cơ sở, ngày đêm lăn lội tới mọi ngóc ngách của công trường, bám sát các cuộc giao ban giữa Tổng Công ty Sông Đà với các chuyên gia Liên Xô để nắm chắc mọi tình hình, giúp thuận lợi khi viết lách. Mặc cơn đau dạ dày thường xuyên hành hạ, trời rét căm căm, không có áo ấm, chẳng đủ tiền mua giày, chỉ với chiếc áo mùa đông, đôi dép lốp được phát từ ngày trong quân đội, anh xông xáo ra công trường, bám sát các thợ khoan giàn, hầm biến thế để viết gương điển hình gửi về cho tòa soạn.
Thấy anh ăn mặc quá phong phanh giữa mùa đông lạnh giá, Phó Giám đốc công trường Phan Đình Đại áy náy, hỏi: “Sao cậu không đi giày?”, anh đành nói dối: “Vì đi vội quá nên quên”. Thế nhưng, lần thực tập này, Thái Ngụ đã viết được 27 tin, bài. Chỉ riêng công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, anh đã có 17 tin, bài. Anh còn là nhà báo vinh dự được Ban chỉ huy công trường là ông Trần Nở trao cho bản thảo bức thư “Gửi các thế hệ Việt Nam mai sau” nhờ góp ý cho bức thư có tính lịch sử quan trọng này. Anh trân trọng lưu giữ đã mấy chục năm và hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào dịp khai trương.
Với nguồn tư liệu thu thập được và vốn là người rất có ý thức cất giữ các tài liệu, sổ tay ghi chép của phóng viên, đúng 35 năm sau, dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, Thái Ngụ viết và cho đăng trên Tạp chí Việt Nam hội nhập số tháng 11/2017, bài ghi chép khá hay “Những người bạn Liên Xô trên công trường Thủy điện Hòa Bình ngày ấy”.
Năm 1991, về làm đài ở một tỉnh nghèo lại mới chia tách ra, anh và các đồng nghiệp phải vượt muôn ngàn khó khăn để đưa tiếng nói và hình ảnh hoạt động của tỉnh kịp đến với công chúng.
Tuy trang thiết bị lạc hậu, kỹ thuật dàn dựng còn rất thủ công, sơ sài, nhưng nhờ anh em chung sức, đồng lòng cộng với niềm say mê nghề nghiệp hết mình, chưa đầy 8 tháng sau đó, Đài Hà Tĩnh đã được vinh danh bằng giải thưởng cao nhất trong Liên hoan phim toàn quốc tại Hải Phòng. Tác phẩm “Điều bất hạnh không đến” chẳng những được trao huy chương vàng mà còn là phim phóng sự truyền hình đạt kỷ lục nhanh nhất, cả đi quay hình, viết lời bình, ra Hà Nội dựng… chỉ trong 5 ngày.
Là một người được đào tạo bài bản, có năng khiếu báo chí – văn học từ rất sớm, luôn sáng tạo và có trách nhiệm cao trong mọi vị trí được giao, Thái Ngụ là một trong những nhà báo có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp báo chí ở Nghệ Tĩnh và sau này là Hà Tĩnh. Anh có đến 23 năm cống hiến cho sự nghiệp Phát thanh – Truyền hình, từ phóng viên lên ủy viên Ban Biên tập, Trưởng phòng, rồi Phó Giám đốc – Bí thư Đảng ủy.
Nhận chức Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Hà Tĩnh 6 năm cuối cuộc đời công chức, anh là người có công lớn đưa phong trào Hội đạt nhiều thành tích rất ấn tượng. 5 năm liền, Hội được nhận 5 cờ “Đơn vị xuất sắc” của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, 1 cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009” của UBND tỉnh, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích các năm 2007 – 2009 và Huân Chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch Nước khen tặng thành tích các năm 2007 – 2011.
Anh bày tỏ lòng mình: “Bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” rồi, đã trải qua sự nghiệp, đường đời tạm gọi là “viên mãn”, tôi chẳng còn mưu cầu gì hơn. Chỉ mong Trời thương, cho được sống dài dài bên người vợ đẹp người, đẹp nết, đã đồng hành thuỷ chung cùng tôi những năm khốn khó nhất cho đến ngày vui hôm nay.”
Khắc Hiển
Nguồn: https://www.congluan.vn/chuyen-doi-chuyen-nghe-cua-nha-bao-thai-ngu-post300113.html