Tại Hội nghị, các chuyên gia nhận định, thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang trong quá trình phát triển và rất hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Dự báo quy mô thị trường dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030.
Chủ tịch Huawei Đông Nam Á Tao Guanyao nhận định, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, tương ứng với 20%, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang làm thế giới thay đổi. Các dịch vụ di động và trực tuyến ngày càng gia tăng và phát triển bùng nổ như dịch vụ chính phủ số, thương mại điện tử, thanh toán di động, truyền phát trực tiếp, game… Cloud đã trở thành nền tảng cho cuộc cách mạng kỹ thuật số, từ đó ứng dụng AI để triển khai cho các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam.
Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Công nghiệp Huawei Cloud khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) Andy Jin cũng nhấn mạnh sự tăng trưởng ấn tượng của Huawei Cloud ở APAC với mức tăng tổng doanh thu 77%, riêng Big Data (Dữ liệu lớn) và AI (Trí tuệ nhân tạo) đạt số lượng dự án tăng gấp 5 lần và doanh thu cao gấp 10 lần. Các kết quả kinh doanh này đã đưa Huawei Cloud trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Đến năm 2024, Huawei Cloud sẽ ưu tiên phát triển hệ sản phẩm mang tiêu chuẩn 6 sao: Huawei Cloud Stack, Dữ liệu lớn & AI, Dịch vụ truyền thông, Cơ sở dữ liệu, Bảo mật và PaaS – Nền tảng như một dịch vụ. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hợp tác với các DN, đối tác hàng đầu trong ngành để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong các phân khúc thị trường mục tiêu”.
Chuyên gia tham dự sự kiện đánh giá, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang rất hứa hẹn, tăng trưởng theo năm. Quá trình số hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh. Chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây không chỉ đến từ người dùng cuối mà còn đến từ các khách hàng lớn, các công ty IT lớn. Họ đều có sự đầu tư lớn dành cho hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) ở Việt Nam. Một số đơn vị như Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đầu tư vào trung tâm dữ liệu.
Theo Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam Đào Quang Vinh, thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang trong quá trình phát triển và rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tất cả các bên đều nhìn về Việt Nam, không chỉ Huawei, nhiều công ty khác đã có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng data center ở Việt Nam. Tuy vậy, chi phí xây dựng một hệ thống trung tâm dữ liệu rất lớn. Khi đầu tư một hệ thống quy mô lớn với chi phí lớn, các bên đều đang chờ tới một điểm “bứt phá” có khả năng hoàn vốn đầu tư lớn hơn.
Tại hội nghị, các diễn giả đến từ SmartOSC, FPT Software và CMC Telecom còn chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm và câu chuyện thành công của doanh nghiệp khi ứng dụng giải pháp chuyển đổi số từ Huawei Cloud.
Giám đốc Kinh doanh Đám mây của SmartOSC, Gerry Bench đã giải thích cách các giải pháp Cloud, Big Data và AI có thể mở ra tiềm năng cho ngành thương mại điện tử. Ông Gerry Bench nhắc đến một ví dụ về hợp tác giữa SmartOSC và Huawei Cloud nhằm phát triển các giải pháp giúp nhà bán lẻ DoHome của Thái Lan giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng công nghệ và đạt được mức tăng trưởng kinh doanh nhanh chóng.
Giám đốc Chuyển đổi số Toàn cầu (DXG) của FPT Software Huỳnh Lê Duy chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với Huawei Cloud trong việc phát triển giải pháp đám mây E2E và tận dụng nguồn lực khách hàng của nhau để mở rộng và kinh doanh chéo dịch vụ tại các thị trường mới nổi. Bằng cách triển khai khung hệ thống tiêu chuẩn hóa và phát triển linh hoạt, FPT Software đã nhanh chóng điều chỉnh hệ thống kinh doanh cho AIA để đạt tốc độ tăng trưởng kinh doanh 35%.
Giám đốc Đa đám mây của CMC Telecom Đặng Tuân Thành cũng chia sẻ về cách DN cung cấp các dịch vụ toàn diện về thanh toán, dịch chuyển và quản lý dữ liệu trên nền tảng đám mây để giải quyết các khó khăn của khách hàng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/suc-hut-cua-thi-truong-dien-toan-dam-may-viet-nam.html