Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã có những chia sẻ về phương pháp dạy học Lịch sử mới trong nhà trường.
PV: Bản thân Lịch sử rất hấp dẫn, nhưng dạy học Lịch sử không hấp dẫn, không thu hút được sự chú ý, say mê của học sinh, theo thầy nguyên nhân do đâu?
Tiến sĩ Mai Văn Nam: Lịch sử trong nhà trường bị xem là không hấp dẫn, không thu hút được sự say mê của học sinh, điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, nguyên nhân bắt nguồn từ những quan niệm cố hữu về môn Lịch sử trước kia, cho rằng môn Lịch sử là môn học thuộc lòng các sự kiện, ngày tháng, thời gian, không gian. Quan niệm đó cần phải xóa bỏ, vì khi học dưới góc độ đó, học sinh sẽ không bao giờ có thể yêu thích Lịch sử, những nội dung về sự kiện lịch sử chỉ là một thông tin nhỏ trong lịch sử. Sở dĩ, môn Lịch sử chưa hấp dẫn với người học còn do nhận thức không đúng về vị trí của môn Lịch sử trong nhà trường. Chúng ta thường cho rằng môn Lịch sử là môn học phụ, không quan trọng bằng như các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Vì thế, tầm quan trọng và thời gian học của môn Lịch sử bị ảnh hưởng và không đem lại hiệu quả. Cùng với đó, vấn đề còn nằm ở phương pháp dạy học của các thầy cô giáo. Một số thầy cô chưa có quá trình đổi mới về nhận thức tư duy, sáng tạo các phương thức dạy học phù hợp với bối cảnh giáo dục mới hiện nay.
PV: Theo Tiến sĩ, cái gốc của sự đổi mới dạy học Lịch sử là gì?
Tiến sĩ Mai Văn Nam: Việc đổi mới dạy học Lịch sử cũng gắn liền với việc đổi mới chương trình dạy học phổ thông. Trước đây, dạy học Lịch sử là dạy cho học sinh biết kiến thức, tiếp cận nội dung kiến thức. Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông đổi mới, hướng đến tiếp cận phát triển năng lực và phẩm chất, dạy học sinh vận dụng được kiến thức lịch sử vào trong thực tiễn cuộc sống. Từ đó giúp học sinh có năng lực, phẩm chất, phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực, con người Việt Nam sống tốt và làm việc hiệu quả.
Vấn đề đổi mới cần phải coi trọng là nhận thức đúng đắn về vị trí của môn Lịch sử trong nhà trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, lịch sử, nhất là quốc sử càng cần được coi trọng và cần phát huy chức năng giáo dục. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như trong giao lưu với các nền văn hóa khác”. Lịch sử cần phải được đặt ở vị trí xứng đáng với sứ mệnh của nó. Tiếp theo, vấn đề đổi mới cần quan tâm là nguồn nhân lực. Công tác đào tạo giáo viên cần được nâng tầm, phát triển và đổi mới hơn nữa để đào tạo được đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, áp dụng được phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả vào quá trình dạy học Lịch sử.
PV: Trong quá trình nghiên cứu và từ thực tiễn giảng dạy, các phương pháp đổi mới dạy học lịch sử đang được thầy áp dụng là gì?
Tiến sĩ Mai Văn Nam: Có nhiều phương pháp dạy học khác nhau như học thông qua quan sát, học thông qua thực hành trải nghiệm… Tôi đã đề xuất áp dụng một số phương pháp và nghiên cứu giúp quá trình lựa chọn phương pháp dạy học đáp ứng được yêu cầu.
Thứ nhất, phương pháp sử dụng các nguồn học liệu hấp dẫn, tổ chức cho học sinh đi tìm tòi, khám phá. Phương pháp này yêu cầu học sinh phải dựa vào nguồn sử liệu để học sinh tự tư duy, khám phá, rút ra tri thức lịch sử, chứ không cung cấp kiến thức theo góc độ thông báo, có sẵn.
Thứ hai, áp dụng con đường dạy học kiến tạo dựa trên hệ thống câu hỏi, tìm tòi khám phá. Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống câu hỏi hay, hấp dẫn người học và giúp ích trong việc định hướng phát triển tư duy của học sinh.
Thứ ba, tổ chức hiệu quả các hoạt động dạy học tích cực, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: tổ chức các hoạt động truy tìm vết tích lịch sử để khôi phục sự kiện, điều tra lịch sử kết hợp với trao đổi, thảo luận để lý giải bản chất của sự kiện lịch sử.
Thứ tư, sử dụng phương pháp dạy học mang tính chất thực hành, trải nghiệm như tổ chức cho học sinh đóng vai làm thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch. Phương pháp đòi hỏi học sinh phải chủ động, đầu tư nhiều công sức để tìm hiểu kiến thức.
Thứ năm, phương pháp thực hành thiết kế các sản phẩm có tính chất ứng dụng dựa trên kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh. Tổ chức cho học sinh thiết kế poster về chủ đề lịch sử, thiết kế các bản sơ đồ tư duy, infographic. Định hướng với học sinh có khả năng cao hơn về thực hành thiết kế sản phẩm học tập mang tính chất ứng dụng của mô hình dạy học tích hợp STEAM như: mô hình nhà sàn, mô hình công cụ lao động, vũ khí, bãi cọc Bạch Đằng…để tái hiện lịch sử.
Việc áp dụng các phương pháp dạy học mới kích thích sự tò mò của học sinh. Học sinh chủ động, mong muốn sưu tầm một số tư liệu, trình bày những ấn phẩm truyền thông, điều đó khiến học sinh thực sự say mê, đầu tư vào các sản phẩm học tập. Thông qua những hoạt động, phương pháp học tập đó giúp học sinh được bộc lộ, vận dụng năng lực của mình trong cuộc sống.
PV: Nhìn sang các nước có điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, họ đã đưa những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử dựng thành phim, đây cũng là 1 cách để giáo dục lịch sử và đa số đều rất hấp dẫn các bạn trẻ. Chúng ta có thể học được gì từ họ để việc dạy học lịch sử thực sự hấp dẫn học sinh, thưa thầy?
Tiến sĩ Mai Văn Nam: Đối với Trung Quốc là đất nước có truyền thống viết lịch sử, tạo ra các sản phẩm phục vụ lịch sử tuyệt vời, chúng ta thấy được sự thành công của họ trong công tác giáo dục là chuyển thể những câu chuyện lịch sử thành phim, giúp việc tiếp cận, học tập nội dung đó được diễn ra sinh động, hấp dẫn. Đây là một kinh nghiệm rất hay. Ta thấy được, lịch sử của Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều nội dung được các nhà làm phim tái hiện lại và tạo tiếng vang lớn như bộ phim Đào, Phở và Piano.
Đối với góc độ của giáo viên, xã hội cần phải quan tâm, tạo ra nguồn học liệu hay, hấp dẫn với học sinh, nguồn học liệu có thể sử dụng rộng rãi trên truyền thông, sử dụng vào các hoạt động dạy học, ví dụ như các đoạn phim lịch sử sẽ khiến học sinh cảm thấy thích thú hơn. Cách tiếp cận dạy học dựa trên phim lịch sử cũng đòi hỏi điều kiện liên quan đến công nghệ thông tin giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.
Ngoài ra, chúng ta cần có quá trình xem xét toàn diện những câu chuyện có nhiều yếu tố hư cấu. Bởi bài học lịch sử được xây dựng theo mục đích giáo dục để phục vụ cho môn học gắn liền với khoa học lịch sử. Phim ảnh và sách, truyện lịch sử dựa xây dựng trên những câu chuyện, quan niệm khác nhau, đôi khi không phải sự thật.
PV: Xin cảm ơn thầy!
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/thoi-lan-gio-moi-cho-mon-hoc-lich-su-post1102752.vov