Khi chia sẻ mâm cơm của bố lên mạng, Khánh Linh vô cùng bất ngờ khi thấy mọi người thả tim rần rần. Các chị em đều ngả mũ thán phục trước những mâm cơm thơm ngon, hấp dẫn mà bác tài xế nấu cho con gái. Bữa ăn nào ông làm cũng đa dạng, như đậu hũ xốt cà chua, su su xào thịt bò. Khi thì canh bí xanh nấu đuôi heo, cá kho mật mía…
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Khánh Linh cho biết ở nhà, bố và mẹ cô đều nấu ăn ngon. Mẹ là người đi chợ từ sớm. Tuy nhiên, công việc của bà bận rộn nên bố đảm đương bếp núc. Nhà có 3 cô con gái nên bố mẹ chiều hết mực, ít khi bắt phải làm gì, chỉ cần con có ý thức phụ là được rồi.
“Bố biết nấu nhiều món. Món tủ của ông là canh chua, sườn xào chua ngọt, thịt lợn kho, nộm gà hành tây, lòng mề gà kho dứa… Món nào bố nấu tôi đều thấy rất ngon và tỉ mỉ. Có nhiều khi bố đi ăn ngoài hàng thấy ngon, nhớ nguyên liệu, mùi vị rồi về nấu cho vợ con. Lần đầu nấu mà cũng ngon nữa”, Linh nói.
Cô con gái đánh giá bố nấu ngon nhưng rất lâu. Mỗi công đoạn ông đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông rửa và sơ chế toàn bộ trước khi nấu, không kiểu vừa nấu vừa làm một thể. Mỗi bữa đơn giản gồm cơm, canh, thịt mất khoảng 1 tiếng. Còn bữa cầu kỳ nhiều món, có cả nộm hay chân gà chua ngọt, ngan trộn hành tây hay bò ướp tỏi nướng, ông phải tốn 2-3 tiếng để làm.
Ông đòi hỏi thịt này phải nấu thế này, củ kia phải xào thế kia, rau này phải đi với món này mới chuẩn… Vì thế, mâm cơm trên bàn chưa từng có lần nào chuẩn bị qua loa.
Căn bếp dưới bàn tay của ông cũng luôn được giữ gìn sạch sẽ vì “làm đến đâu, dù cầu kỳ đến mấy, cũng phải gọn ngay đến đó”.
Khi ăn xong, ông không cho ai dọn mà toàn bảo: “Để đấy anh rửa cho”, “Các con cứ làm việc đi. Lát bố dọn”… Có hôm Linh dọn, bố cô sẽ cuống cuồng ăn vội vàng để tranh dọn. Cô thường trấn an: “Bố cứ từ từ ăn cơm. Cái này con làm được”.
Không bao giờ ông Thắng than vãn khi nấu cơm ở cữ cho con gái ăn. Ông rất thích thú và tập trung khi nấu ăn. Ông cho biết từ nhỏ ông đã có thể vào bếp. Sau này chăm vợ bầu, vợ đẻ rồi đến lúc làm bố, cùng vợ lo cho các con nên tay nghề càng ngày càng lên.
“Con cháu mình, mình giúp được gì thì giúp. May mắn, con gái lấy chồng xong ở ngay gần, ông bà ngoại mới có cơ hội quan tâm, hỏi han, chăm sóc hằng ngày. Nhờ vậy tôi cũng yên tâm, nấu cho con nhưng cả nhà cùng ăn luôn”, ông nói.
Hỏi mâm cơm nào ông thích nhất, ông cho biết mâm cơm nào cũng toàn tâm toàn ý như mâm cơm nào nên không có kỷ niệm nào đặc biệt. Thế nhưng, mỗi khi nấu cơm cữ cho con gái, ông nhớ lại kỷ niệm hồi nấu cho vợ bầu ăn khi sinh bé thứ 3 cách đây 12 năm.
Theo ông, bí quyết nấu ăn cũng rất đơn giản. Người nấu cần chuẩn bị kỹ nguyên liệu, vệ sinh thật sạch, ướp đủ gia vị, đủ thời gian chờ. Xương phải ninh kỹ cho ngọt nước. Đồ xào thì căn chuẩn thời gian để các nguyên liệu cùng chín, không có cái nào bị khô quá. Hạn chế sử dụng mì chính.
“Tôi không tự nhận tôi nấu ngon, chỉ là biết nấu ăn thôi, nhưng được các con khen ngon tôi cũng rất vui.
Bố mẹ nào cũng yêu thương các con cả, nhưng mỗi người có một cách thể hiện khác nhau.
Với tôi, việc được ở bên cạnh vợ con mỗi ngày là một điều may mắn. Tôi nghĩ rằng nếu có thể làm gì, tôi sẽ làm hết.
Lúc nào tôi cũng muốn gia đình được vui vẻ, thoải mái, rộn rã tiếng cười. Các con là tài sản lớn nhất của đời tôi”, ông nói.
Khánh Linh cho biết bố mẹ chồng ở xa nên không thể giúp nấu nướng. Bù lại khi được nghỉ, ông bà lên chơi ngay với con cháu. Chồng cô cũng đi làm cả ngày, không giỏi nấu ăn. Tuy nhiên, anh thương vợ và chăm con rất tốt.
“Tôi hạnh phúc khi được bố mẹ chăm sóc. Hồi tôi bầu, mẹ cũng thường xuyên nấu cho tôi ăn”, cô nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tha-tim-ran-ran-nguoi-bo-nau-hon-300-mam-com-o-cu-cho-con-gai-2024061420115897.htm