Ngành “hot” trong thời gian tới
Buổi tọa đàm “Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai” sáng nay khá “nóng” khi ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam, chia sẻ về lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn.
Theo đó mức lương tại Mỹ là 100.000-300.000 USD/năm. Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000-100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng.
Mức lương cao hơn những ngành khác nhưng vẫn thấp hơn so với các nước phát triển như Mỹ. Với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam.
Ông Yên cũng cho biết hiện nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
Dù tiềm năng như vậy nhưng thách thức với những người trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế chip bán dẫn không hề nhỏ. Theo ông Yên, họ cần là người đam mê, kiên trì, kiên nhẫn bởi phải sau cỡ 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt.
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT – cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Ông cho rằng không phải sáng tạo mà chính sự kiên nhẫn, kỷ luật với bản thân mới giúp bạn trẻ thành công.
“Lúc bắt đầu, bước đi đầu tiên vô cùng khó khăn. Nhưng nếu bạn không đi sao biết mình đến được. Lời khuyên của tôi với các bạn là muốn làm được việc lớn thì tắt điện thoai đi, bớt dùng mạng xã hội, bớt hóng các bình luận trên mạng xã hội, tập trung làm việc của mình. Hãy học về thiết kế chip, về bán dẫn, nuôi sống bản thân mình, gia đình mình”, Phó chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT nhấn mạnh.
Tương tự ông Tiến, ông Yên khuyên các bạn sinh viên nên tận dụng thời gian học trên trường để học thật, nghiên cứu sâu về các chuyên ngành.
Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết cách đây một tuần, ông vô cùng ngạc nhiên trước sự lan tỏa của công nghệ trong chuyến thăm huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Tại đây, tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc thi về robot thì có tới 27 đội tham gia thi đấu. Tất cả trường từ cấp 2, cấp 3 tại tỉnh Lạng Sơn đều có giáo viên dạy về robot. STEM (viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) được đưa vào giảng dạy ở tất cả các trường.
“Từ xưa tới nay tôi rất tự hào khi chúng tôi là nơi đầu tiên đưa STEM vào hệ thống trường phổ thông. Nhưng hiện nay, một tỉnh nghèo như Lạng Sơn cũng đã đưa STEM vào tất cả các trường, cho thấy tiềm năng rất lớn về nền tảng công nghệ của nước ta”, ông Tiến chia sẻ.
Từ câu chuyện của Lạng Sơn, ông nhớ lại câu chuyện của FPT 25 năm trước khi làm về công nghệ và cách đây 9 năm nói xuất khẩu phần mềm. Đa số mọi người đều cho rằng điều này là ảo tưởng, người Việt Nam không thể làm được. Thế nhưng năm 2023, doanh thu xuất khẩu phần mềm ra thế giới của FPT đã đạt 1 tỷ USD.
Câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây. Nhiều người cho là hoang tưởng, điên rồ nhưng ông Tiến cũng như các diễn giả tại tọa đàm rất tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam.
“Những chàng trai trẻ ở đây ngày hôm nay không cần chờ tới 25 năm như chúng tôi. Chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới”, ông Hoàng Nam Tiến khẳng định.
Ông lấy dẫn chứng Việt Nam có những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay từ Chính phủ, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp đã có những chiến lược, động thái mạnh mẽ để phát triển ngành này.
Về đào tạo, hiện Việt Nam đã đưa STEM vào các trường từ lớp 1 đến lớp 12. Một ưu điểm đặc biệt khác của người Việt Nam là tính kiên trì, kiên nhẫn. Người trẻ Việt Nam có khả năng tự học và tự học rất nhanh.
“Tôi làm FPT đã 31 năm và nhìn các bạn trẻ ở đây tôi có lòng tin như vậy. Chúng tôi có lòng tin sau 14-16 tháng đào tạo nghề, chúng ta có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn”, ông Tiến tự tin cho biết.
Chia sẻ thêm về cơ hội Việt Nam đối với ngành bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có. Trước đây chúng ta đã xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch, rất muốn phát triển ngành nhưng chưa có cơ hội.
Hiện nay, cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bán dẫn thế giới đến từ nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ứng. Điều này đến từ bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khiến các nước tại khu vực châu Á trở thành điểm đến. Việt Nam trở thành điểm sáng với địa chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, nền tảng về STEM tốt.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch. Tổng số nhân sự làm việc trong ngành này vào khoảng 5.000 người.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Đồng thời, đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/muon-luong-nghin-usd-thi-tat-dien-thoai-bot-hong-binh-luan-tren-mang-di-20240413140555385.htm