Quy định về Quỹ được đưa ra tại Chương VII cùng rất nhiều quy định mới khác nhằm thu hút được nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, việc có thêm nguồn lực để hỗ trợ công tác này, theo các đại biểu Quốc hội là hết sức cần thiết; nhưng việc thành lập quỹ lại khiến nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn.
Lý do, trước hết, như ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) chia sẻ trong phiên thảo luận tổ chiều 18.6, “gần đây, cứ luật nào trình thì lại thấy đề xuất thành lập quỹ cho lĩnh vực đấy – cũng khá nhiều”. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, đại biểu “điểm danh” sơ sơ những luật gần đây đã có Quỹ Phát triển du lịch, Quỹ Phát triển điện ảnh… và lần này là Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai là, đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa “đã được đánh giá tác động đủ kỹ chưa? Sự cần thiết của Quỹ này thế nào? Tính khả thi của quỹ này đến đâu?”.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội nêu rõ, trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, kinh phí từ ngân sách nhà nước bố trí 245 tỷ đồng, hỗ trợ 471 lượt di tích trên địa bàn cả nước, trong tổng số 3.599 di tích quốc gia, chưa giải quyết được mục tiêu chống xuống cấp di tích mà chỉ mang tính chất chống đỡ cục bộ, chưa đặt di tích ở trong tình trạng tồn tại bền vững lâu dài, nhiều di tích quốc gia chưa được tu bổ, có nguy cơ không những làm biến dạng di tích, mất đi yếu tố gốc và giá trị vốn có, nghiêm trọng hơn là nguy cơ đổ sập. Trong khi đó, kinh phí thực hiện tu bổ di tích chủ yếu do các địa phương đối ứng và huy động từ nguồn xã hội hóa, khoảng vài nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được đề xuất quy định như “một hình thức xã hội hóa thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cơ chế thu hút nguồn lực thông qua quy định nội dung, hình thức, cơ chế khai thác, sử dụng di sản văn hóa, hợp tác công tư lĩnh vực di sản văn hóa”. Tuy nhiên, tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa tại Điều 90 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là “chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không hiệu quả và không phù hợp với việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, khả năng cân đối thu hút các nguồn lực để hoạt động các quỹ”.
Phân tích kỹ hơn, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ rõ, “việc thành lập Quỹ này ở Trung ương và có thể sẽ thành lập ở tất cả các địa phương sẽ đồng thời phải thành lập bộ máy quản lý quỹ từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến tổ chức bộ máy nhân sự và phát sinh nhiều chi phí quản lý vận hành”. Hơn nữa, nếu phân tích chi tiết các nhiệm vụ chi dự kiến của Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, theo Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, “một số nhiệm vụ cũng có thể đã trùng với nhiệm vụ đã được quy định sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 80 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”.
Năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành một chuyên đề giám sát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Qua đó đã cho thấy, các quỹ này hoạt động cơ bản không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra; chi phí quản lý vận hành quỹ rất lớn dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 về chuyên đề giám sát trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước. Chính vì thế, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị không quy định việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại Điều 90 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tất nhiên, cho đến thời điểm này, khi dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận thì đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa cũng đã được nhiều cơ quan, tổ chức xem xét, đóng góp ý kiến. Nếu thực sự cấp bách, bắt buộc phải có quỹ để tăng cường nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn di sản văn hóa thì chắc chắn Quốc hội sẽ không từ chối. Nhưng rõ ràng, với những băn khoăn mà các đại biểu và báo cáo thẩm tra của cơ quan chuyên môn của Quốc hội đã chỉ ra thì các vấn đề liên quan đến Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa cần phải được làm rõ hơn.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nguon-luc-cho-bao-ton-di-san-van-hoa-i376223/