Thú nhồi bông là món đồ chơi được các em bé (thậm chí người lớn) yêu thương hết mực, nhưng kết cục của chúng lại không mấy tốt đẹp cho môi trường.
Theo một nghiên cứu năm 2022 trên tập san Sustainable Production and Consumption, điểm đến cuối cùng của khoảng 80% thú nhồi bông và đồ chơi các loại trên toàn thế giới chính là bãi rác.
Chúng chiếm 6% lượng nhựa tại các bãi chôn lấp trên toàn cầu.
Hầu hết đồ chơi nhồi bông đều được làm bằng vật liệu tổng hợp và một số chứa đầy các viên nhựa có thể mất hàng trăm năm hoặc hơn để phân hủy.
Chưa kể, sản xuất hàng loạt những món đồ chơi này đòi hỏi một lượng lớn dầu, khí đốt tự nhiên và nước.
Tám năm trước, công việc tình nguyện tại một cửa hàng thu gom đồ cũ từ thiện ở London đã khiến cô gái trẻ 20 tuổi Charlotte Liebling bàng hoàng nhận ra số lượng đồ chơi nhồi bông bị bỏ đi lớn đến thế nào.
Là người có tuổi thơ gắn bó với thú bông và dành tình cảm lớn cho chúng, thực trạng trên khiến Liebling trăn trở về một giải pháp vừa bền vững vừa ý nghĩa.
Cô tâm niệm: “Thú nhồi bông đã qua sử dụng vẫn xứng đáng có cuộc đời thứ hai”.
Chia sẻ với The Washington Post, Liebling cho biết khoảng 95% số thú nhồi bông mà cô nhận được đều có thể tái chế và tái sử dụng, bất kể chúng có cũ, có rách, cụt chân tay hay lấm lem vết bẩn đến cỡ nào.
Sản phẩm của Loved Before tại một cửa hàng Selfridges London được bày bán với dòng giới thiệu, “Nhìn chúng em thế này có đáng phải nằm ở bãi rác không?”. Ảnh: Twitter công ty
Tình trạng đầu vào có thể tệ, song, khách hàng của Loved Before không phải lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh vì từng con thú nhồi bông sau khi được quyên góp cho cơ sở này đều phải trải qua quá trình làm sạch bằng hơi nước ở nhiệt độ cao.
Một số sẽ được chải chuốt, nhồi thêm bông và tút tát lại. Sau thời gian “đi spa” là buổi chụp hình để lên sóng website công ty.
Món đồ nào chẳng may đến “tay không” (không có tiểu sử) sẽ được gửi đến những người trông nom tạm thời hoặc các lớp học trong vài tuần.
Sau đó, những người trông nom và các học sinh sẽ viết đôi dòng giới thiệu về sản phẩm.
Cách làm này đảm bảo mỗi con thú bông Loved Before đến tay khách hàng đi kèm những tấm thiệp in kể câu chuyện của chúng.
Sản phẩm cũng được gói trong bao bì quà tặng làm từ chất liệu bền vững và có thể tái chế hoàn toàn.
Mỗi ngày, Liebling cùng ba nhân viên và ba tình nguyện viên xử lý từ 50 – 100 con thú nhồi bông.
Mỗi con mất từ 1-5 tiếng để tân trang, giá bán trung bình khoảng 10-15 USD, chưa tính phí vận chuyển.
Với khẩu hiệu “cứu thế giới qua từng chú gấu bông”, ước tính 5 năm qua, Loved Before đã thu thập, làm sạch và tìm nhà mới cho hơn 60.000 thú bông.
Phản hồi với sản phẩm của Loved Before cực kỳ tích cực, đến mức mỗi khi loạt hàng mới được tung ra cũng là lúc lô cũ đã bán sạch.
Không những vậy, khách hàng sau khi mua thường đăng ảnh và lời cảm ơn lên diễn đàn Loved Again của công ty. Chủ cũ của những món đồ cũng có thể theo dõi hành trình mới của chúng.
Loved Before trao “cuộc đời thứ hai” cho thú nhồi bông sản xuất theo lối cũ, vậy có thể làm thú bông “bền vững” ngay từ đầu, nghĩa là từ vỏ đến ruột toàn chất liệu thân thiện với môi trường?
Allison Guy, cây bút thực tập tại trang tin tức của tổ chức phi lợi nhuận Environmental Health Sciences, đã thử làm điều đó, nhân dịp muốn tìm quà tặng em bé sắp chào đời của bạn thân. Nhưng cuối cùng cô chỉ có thể nói, “tôi đã cố gắng hết sức”.
Chú cá voi nhồi bông màu xanh lam chứa 5% spandex. Ảnh: Allison Guy
Ý tưởng ban đầu của Guy là tạo ra một con cá voi xanh nhồi bông với thành phần nhựa 0%, hoàn toàn có thể phân hủy tại nhà.
Thực tế không đơn giản như tưởng tượng. Quá trình thực hiện khiến cô vỡ lẽ ra rằng tìm chất liệu hoàn toàn không nhựa gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Lựa chọn duy nhất đáp ứng mọi tiêu chí và màu xanh lam mà Guy tìm kiếm là vải gấu bông của Đức, làm từ cotton và lông dê Angora, có giá tới gần 150 USD/mét – ngoài tầm ngân sách của cô.
Tất cả những loại vải cotton có vẻ thích hợp khác mà Guy tìm được đều có chút nhựa trong đó, từ 5-20% polyester. Cuối cùng cô tìm được một thứ phù hợp tới khó tin: vải lông xanh baby, 100% cotton.
Tưởng đã xong khâu khó nhất, nhưng bắt tay vào may đo khâu cắt, Gay lại nhận ra có gì đó sai sai.
Cách những sợi vải giãn ra không giống vải 100% cotton chút nào. Băn khoăn, Guy thử châm lửa đốt. Nhưng thay vì cháy ngay thành tro, miếng vải chảy như nhựa.
Cô kiểm tra lại với phía người bán thì hay được tin: vải cô mua thật ra chứa 5% spandex – một loại sợi nhân tạo thay thế cho cao su.
Đã quá muộn để xoay chuyển tình thế, em bé cũng đã chào đời, Guy đành trao tặng món quà “suýt soát 100% thân thiện với môi trường”.
Không chịu bỏ cuộc, ít tháng sau, Guy tìm mua một loại vải khác để may một chú cá voi nhồi bông mới.
Lần này, cô chọn một loại vải 100% cotton hữu cơ, màu xanh mòng két, xù xì, có mức giá cô cho rằng cũng khá hợp lý là 40 USD/mét.
Sau nhiều ngày may vá lẫn đâm trúng tay, thành phẩm ra đời khiến Guy khá ưng bụng, ít nhất là cho đến khi cô bỗng dưng thắc mắc màu xanh đáng yêu kia đến từ đâu.
Đáng chú ý, hầu hết các loại thuốc nhuộm vải, bao gồm cả loại để nhuộm ra màu xanh kia, đều là thuốc nhuộm hóa dầu được tổng hợp từ nhiên liệu hóa thạch, dùng làm phân hữu cơ đã không ổn, đừng nói đến an toàn cho trẻ sơ sinh.
Theo Wicker, thuốc nhuộm tổng hợp có khả năng phân hủy sinh học kém, có thể trôi xuống cống và gây ô nhiễm đường thủy, gây bệnh về da, thậm chí ung thư.
Ngoài những rủi ro này, các kim loại nặng độc hại như chì và cadmium có thể được thêm vào thuốc nhuộm để làm cho màu sắc của vải sống động hơn.
Wicker khuyên rằng nếu Guy muốn may một con cá voi xanh thân thiện thật sự, lựa chọn an toàn nhất là chất liệu nhuộm màu chàm tự nhiên – một chất màu có nguồn gốc từ thực vật.
Chú cá voi nhồi bông màu xanh lam chứa 5% spandex. Ảnh: Allison Guy
Tuy nhiên, cách làm này tốn nhiều thời gian, có thể đẩy chi phí may chú cá voi lên đến 100 USD trong khi vải thành phẩm vẫn còn mùi khá nặng.
Một phương án khác được Wicker gợi ý là tìm mua loại bông không nhuộm, không tẩy, hoặc một loại len nuôi thủ công, được xử lý tối thiểu.
Tuy nhiên, vì không nhuộm, không xử lý, loại này không thể nào có màu xanh và độ mịn mượt như Guy mong muốn.
Vậy thì, đâu mới thật sự là biện pháp bền vững cho ngành đồ chơi – có doanh thu toàn cầu năm 2022 đạt 107,4 tỉ USD – giữa áp lực đáp ứng yêu cầu luôn phải đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn giữ giá thấp và không gây hại cho Trái đất?
Câu trả lời cho câu hỏi này, và cũng có thể là cách để thật sự thân thiện với môi trường mà Guy nên tham khảo ngay từ đầu, đó là sử dụng lại đồ chơi cũ.
Alyssa Rosenberg, người phụ trách chuyên mục về gia đình và trẻ em của The Washington Post, đồng tình rằng “đồ chơi bền vững nhất là những món có thể truyền lại cho thế hệ sau”.
Joanne O’Donoghue, quản lý thương hiệu và khâu sản xuất của công ty đồ chơi thân thiện với môi trường Petit Collage (Mỹ), thì cho rằng nhựa không phải lúc nào cũng xấu và gỗ không phải lúc nào cũng tốt.
“Chúng tôi không sử dụng nhựa tại Petit Collage, nhưng việc mua một món đồ chơi bằng nhựa chất lượng cao, có thể tồn tại lâu dài và truyền lại qua nhiều thế hệ, sẽ tốt hơn mua một món bằng gỗ rẻ tiền, không có FSC (chứng nhận bảo vệ rừng) và sẽ bị vứt vào thùng rác trong vòng một năm” – O’Donoghue nói với tờ Los Angeles Times.
Jess Castaneda, chủ cửa hàng bán đồ chơi cũ The Green Bean (Mỹ), đưa ra lời khuyên tương tự: Mua 3 món đồ chơi có thể sử dụng được lâu dài tốt hơn chi cùng một số tiền cho 7 món kém chất lượng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-nhoi-bong-de-trai-dat-cung-thay-yeu-20240603113502227.htm