(MPI) – Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm và gặp mặt báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự và chia sẻ tại Tọa đàm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông theo dõi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo; cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc đồng hành, truyền tải các công việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành vì mục tiêu chung của đất nước cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng chia sẻ về chủ trương truyền thông chính sách thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông để lan toả chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những tư duy, tầm nhìn, xu thế mới của Việt Nam cũng như quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, “Chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và 1/3 chặng đường thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội10 năm”. Bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn, trong khi đó, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, mở cửa, hội nhập; đang tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng.
Bối cảnh phức tạp của thế giới biến động khó lường, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, cạnh tranh giữa các quốc gia… nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phía trước rất lớn nhưng bối cảnh đó cũng xuất hiện nhiều cơ hội. Điều quan trọng nhất là phải nhận diện cơ hội, vượt qua thách thức, có quyết sách nhanh hơn, kịp thời hơn để thành công.
Theo đó, chúng ta phải có các giải pháp, phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa không chỉ riêng với bộ, ngành nào mà phải cả hệ thống chính trị. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục yêu cầu các đơn vị phải tiên phong, gương mẫu, đi đầu, thường xuyên rà soát, hoàn thiện, đổi mới hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư… Từ đó đề xuất các giải pháp theo hướng cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang cần sự hỗ trợ, kết nối để nắm được công nghệ, tham gia vào chuỗi sản xuất; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, cho dự án đang bị tắc nghẽn, tồn đọng sẽ góp phần khơi thông được nguồn lực rất lớn cho xã hội.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Về các cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, Bộ trưởng cho biết, hiện có 11 địa phương được Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Trong thời gian tới, cần có sơ kết, tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù để mở rộng ra cho các địa phương khác.
Về các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các nhà báo hiểu sâu và truyền tải nhiều hơn để tận dụng các cơ hội từ mô hình kinh tế này, góp phần vào tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.
Về công tác quy hoạch, đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt, xác định rõ định hướng phát triển và không gian phát triển của cả nước và từng vùng; đồng thời đã xác định rõ định hướng và lộ trình đầu tư hệ thống hạ tầng khung của quốc gia theo hướng đồng bộ. Các quy hoạch được phê duyệt cũng là căn cứ quan trọng để các địa phương triển khai việc xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của các địa phương. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, thu hút đầu tư, tạo ra các động lực, giá trị mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ những công việc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề xuất trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trung tâm AI, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để giúp cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao;…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tăng cường chia sẻ thông tin, kết nối không chỉ là mong muốn các nhà báo mà còn là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các cơ quan nhà nước để truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; truyền tải về công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như rất nhiều các hoạt động cộng đồng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo tham dự Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Tọa đàm là dịp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm về kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, các ngành, lĩnh vực mới, trọng tâm ưu tiên. Tại Tọa đàm, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã chia sẻ một số thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô; về chiến lược tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã theo sát tình hình, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành, đóng góp chung vào các kết quả tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm, thể hiện qua các nhóm kết quả như tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như vượt thu NSTW năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng; Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.
Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, Hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-6-19/Bo-Ke-hoach-va-Dau-tu-to-chuc-Toa-dam-va-gap-mat-byc8wt3.aspx