(Dân trí) – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng mục tiêu đầu tư trung tâm văn hóa ở nước ngoài rất khó khả thi vì đầu tư đắt đỏ nhưng duy trì chưa chắc hiệu quả, thậm chí một số cơ sở chết yểu hoặc sống ngắc ngoải.
Việc đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận trong phiên thảo luận sáng 19/6, về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực huy động cho chương trình giai đoạn 2025-2035 là hơn 122 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Đầu tư đắt đỏ, lo trung tâm văn hóa ở nước ngoài sống ngắc ngoải
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề cập việc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có đặt ra mục tiêu xây dựng một số trung tâm văn hóa ở nước ngoài, tuy nhiên chưa có chỉ tiêu cụ thể về nội dung này.
Ông đề nghị quy định rõ chỉ tiêu từ nay tới 2035 sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện.
Dùng quyền tranh luận để trao đổi với đại biểu Nguyễn Văn Mạnh về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng không mới và rất khó khả thi.
“Đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ, nhưng mối lo hơn là duy trì và phát triển hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị đại biểu lo ngại thiếu người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này, trong khi vấn đề nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.
“Nếu cứ theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay”, đại biểu Hiếu lo ngại.
Ông góp ý có thể hỗ trợ cho các Hội đoàn người Việt và các nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa – thương mại – dịch vụ tại các nước và họ tự trang trải kinh phí bằng chính các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cafe, siêu thị hàng Việt Nam.
Một vấn đề khác trong phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, có thể lựa chọn phương án thông qua các sản phẩm nghệ thuật như triển lãm tranh, chương trình văn nghệ hay các bộ phim. Song ông lưu ý Bộ Văn hóa cần có kế hoạch tổng thể để tránh lãng phí, và hạn chế xin – cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Về vấn đề con người, ông Hiếu nêu thực tế rất nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy. Do vậy, cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội sinh hoạt của người Việt rộng khắp trên thế giới.
“Đầu tư bài bản, tường minh, xuất phát từ con người chúng ta mới chấn hưng được nền văn hóa đang còn quá nhiều vấn đề”, ông Hiếu nói.
Tổng mức đầu tư chương trình phát triển văn hóa “thiếu cơ sở thực tế”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết chương trình đề xuất tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương gần 11 tỷ USD.
“Nếu tính trên tổng GDP hiện nay là 420 tỷ USD, số chi này khá lớn. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn 2035, GDP Việt Nam có thể 800-900 tỷ USD, tỷ lệ này là nhỏ”, ông Huân nói.
Vấn đề được vị đại biểu chỉ ra là căn cứ xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 chương trình thành phần. Theo ông Huân, tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này.
“Cần rà soát 10 thành phần chương trình bao trùm hết mục tiêu và hướng tới giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm, bám sát từng thành phần ấy và các hạng mục được quy ra % GDP ước tính từng năm”, ông Huân góp ý.
Sau đó, theo ông, Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo tỷ lệ GDP hàng năm, còn các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định cụ thể tùy tình hình thực tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai góp ý về cơ cấu nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư và khả năng huy động nguồn vốn và các nguồn lực khác.
Vì 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang có nhu cầu thực hiện tiếp giai đoạn 2025-2030, bà Mai đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư vốn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện, gây lãng phí.
Ngoài ra, với các nội dung thành phần chưa xác định được tổng mức đầu tư theo nguồn dự kiến từng năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ hơn dự kiến đối với từng dự án thành phần, trong đó gồm kinh phí Trung ương, địa phương và huy động.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/dau-tu-trung-tam-van-hoa-viet-nam-o-nuoc-ngoai-dat-do-va-noi-lo-chet-yeu-20240619105052625.htm