Vingroup và nhiều công ty khác của Việt Nam như Masan, Hòa Phát,… lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bất ngờ là vị trí đầu bảng của DN Việt là một tập đoàn có lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các DN khác.
Tạp chí Fortune hôm 18/6 đã công bố danh sách Fortune SEA 500 – thống kê các doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có 70 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách này.
Trong top 50 có nhiều cái tên quen thuộc như Agribank, BIDV, Vingroup, Vietinbank,…
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có vị trí cao nhất trong danh sách là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX).
Petrolimex xếp thứ 23 về tổng thể và đứng đầu các doanh nghiệp Việt có mặt trong danh sách Fortune SEA 500 dù có quy mô vốn hóa kém xa so với các ngân hàng và nhiều tập đoàn của các tỷ phú USD Việt Nam.
Agribank xếp thứ 37, BIDV xếp thứ 39, Vingroup số 45 và Vietinbank số 48.
Tính tới 18/6, quy mô vốn hóa của Petrolimex trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 52 nghìn tỷ đồng (2 tỷ USD), so với mức 161 nghìn tỷ đồng của Vingroup (VIC), 265 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng BIDV (BID), 188 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), hay 115 nghìn tỷ đồng của Masan Group (MSN)…
Petrolimex cũng có lợi nhuận khiêm tốn, chỉ khoảng 120 triệu USD trong năm 2023, so với các ngân hàng và tập đoàn như Hòa Phát.
Dù vậy, Petrolimex có doanh thu ấn tượng với 11,5 tỷ USD trong năm 2023, vượt khá xa so với mức gần 6,8 tỷ USD của Vingroup và mức 4,7 tỷ USD của Hòa Phát.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 45 trong danh sách Fortune 500 Đông Nam Á.
Ngoài ra trong top 500 còn có Masan Group, Hòa Phát, VPBank, MBBank, Đầu tư Thế Giới Di Động, FPT, Vietnam Airlines…
Petrolimex, Vingroup, BIDV, Vietinbank, VPBank, MBBank, Masan Group, Hòa Phát, Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), FPT, Vietnam Airlines,… đều là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, Petrolimex, BIDV, Vietinbank, Vietnam Airlines ghi nhận Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) hiện nắm gần 77,3% cổ phần tại Petrolimex.
Trong khi đó, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, Hòa Phát của ông Trần Đình Long, MWG của ông Nguyễn Đức Tài và FPT của ông Trương Gia Bình là các công ty tư nhân.
Vingroup của tỷ phú Vượng được kỳ vọng bứt phá và có thể lên top đầu khu vực nếu hãng xe VinFast (VFS) thành công trên thị trường xe điện thế giới.
Indonesia (280 triệu dân) là quốc gia có nhiều doanh nghiệp trong top 500 Fortune SEA nhất, với 110 cái tên. Thái Lan (70 triệu dân) có 107 doanh nghiệp. Singapore (5,6 triệu dân) có 84 công ty.
Trong năm 2023, các công ty trong danh sách Fortune 500 Đông Nam Á đã thu về 1,79 nghìn tỷ USD doanh thu, giảm 2,5% so với năm trước. Tổng lợi nhuận giảm 9,6% xuống còn 130 tỷ USD.
Gần đây, hầu hết doanh nghiệp lớn trong khu vực Đông Nam Á gặp khó khăn vì chịu ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột địa chính trị, cú sốc chuỗi cung ứng và sự bất ổn ở các thị trường như Trung Quốc và châu Âu.
Giá cả leo thang khiến chi phí sản xuất gia tăng. Trong khi đó, sức cầu tiêu dùng trên toàn cầu khá yếu, nhất là tại Trung Quốc và châu Âu. Nước Mỹ và châu Âu đối mặt với lạm phát cao. Gần đây, kinh tế Trung Quốc ghi nhận những tín hiệu tích cực trở lại nhưng có thể chưa qua giai đoạn khó khăn nhất, lo ngại về giảm phát vẫn còn.
Mạnh Hà
nguồn: https://vietnamnet.vn/vingroup-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-lot-top-50-asean-bat-ngo-ve-dn-viet-dung-nhat-bang-2292959.html