Bên cạnh một số người nói “món ăn có nguồn gốc từ Hà Nội”, cũng có những người cho “tên bún bò Nam Bộ nên chắc chắn phải bắt nguồn từ Nam Bộ mới đúng”.
Bún bò Nam Bộ từng được CNN khuyên là 1 trong 10 món ăn đường phố nên thử khi đến Việt Nam bên cạnh bún chả, bánh mì, gỏi cuốn, cao lầu…
Hè đến, bún bò Nam Bộ thôi
Cùng với bún ốc nguội, gỏi cuốn tôm thịt, cháo đậu cà…, bún bò Nam Bộ là một trong những món ăn được ưa chuộng vào mùa hè ở Hà Nội.
Ở miền Nam, món còn có các tên gọi khác như bún trộn, bún thịt xào…
Món này làm không khó nhưng để ngon… còn tùy tay. Thịt bò chọn lấy phần thăn, bắp dẻ, mông… là ngon nhất, sau đó thái mỏng, ướp gia vị cùng tỏi.
Để thịt không dai, vẫn đảm bảo độ ngọt, không khô, chú ý xào lăn vừa chín tới với lửa lớn. Ai thích hành tây thì có thể cho vào lúc này, đảo qua vài lần rồi nhắc xuống.
Xếp rau xà lách, rau thơm cắt khúc, giá đỗ và bún vào bát tô. Những bà nội trợ mách nhau đừng quên húng láng. Sau đó, múc thịt rải lên trên cùng phần nước xốt, kèm lạc rang và hành phi.
Rưới nước mắm chua ngọt pha loãng vào, trộn đều và thưởng thức.
So với ở miền Bắc khá “chung thủy” với công thức thịt bò xào, ở miền Nam món này được dân tình biến tấu đa dạng hơn. Cũng các nguyên liệu rau và nước chan trên, ngoài thịt bò, có thể kết hợp cùng nem nướng, chả giò…
Về nguồn gốc của món bún bò Nam Bộ, tới nay vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng. Những gì người ta dẫn ra để tranh luận cũng chỉ là những câu chuyện tương truyền trong dân gian, chưa có đủ cứ liệu để khẳng định chắc chắn.
Bí quyết có món bún bò Nam Bộ ngon là thịt bò xào vừa chín tới
Huyền thoại phố phường
Có thông tin cho quán đầu tiên bán món bún này nằm trên vỉa hè khách sạn Đồng Lợi thuộc phố Nam Bộ (đường Lê Duẩn – Hà Nội ngày nay), được mở từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Món ăn này ban đầu được gọi là bún bò trộn nhưng theo thời gian khách quen miệng gọi thành bún bò trên phố Nam Bộ hay bún bò Nam Bộ.
Một người kể thêm, “chủ quán bún bò Nam Bộ tên Can trên phố Lê Duẩn ngày xưa là người miền trong chuyển ra thủ đô sống, cách làm của bà cũng là từ miền trong”.
Nói với Tuổi Trẻ Online, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – tác giả của nhiều cuốn sách về Hà Nội – cho biết nhà một người quen của anh gần sát khách sạn Đồng Lợi. Theo lời kể lại, thời đó không có quán bún bò Nam Bộ nào.
Theo nhà văn, miền Bắc không có món trộn này, nếu đúng Sài Gòn có thì cái tên bún bò Nam Bộ bắt nguồn từ Nam Bộ khá hợp lý.
Nguyễn Ngọc Tiến nghiêng về giả thiết: Có một giai đoạn, người miền Nam ra Hà Nội tập kết, làm món này nên gọi như vậy.
Bà Vũ Thị Tuyết Nhung – tác giả cuốn Hà Thành hương xưa vị cũ (gồm hai tập) – nói về nguồn gốc món bún bò Nam Bộ, bà cũng chỉ nghe nói chứ không biết chính xác. “Mới mấy chục năm mà đã thành mông lung”, bà nói.
Hài hòa hương vị bún bò Nam Bộ
Tuổi Trẻ Online tìm gặp anh Hiếu – chủ quán bún bò Nam Bộ Bách Phương trên phố Hàng Điếu. Đây là một trong những quán bán bún bò Nam Bộ vào hàng sớm của Hà Nội.
Anh Hiếu kể, quán này được mở từ năm 1986 do ông bà anh là Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Thị Phương sáng lập.
Khi đó quán chỉ rộng 30m² và một gác xép 20m². Nhân viên phục vụ chỉ có một người; ông bà vừa bán hàng vừa xào nấu. Khách chủ yếu là người dân quanh khu phố cổ. Ngày nay, quán được nâng cấp khang trang hơn nhiều.
“Thời đó, Hà Nội có nhiều quán bún bò Nam Bộ không?”, “món này có nguồn gốc như thế nào?”. Anh Hiếu nói anh không được ông bà kể lại, chỉ nhớ “hồi đó rất vắng vẻ”, “công thức món ăn ở quán do ông bà nghĩ ra cho hợp khẩu vị người Hà Nội”.
Theo anh Hiếu, món này quan trọng nhất ở chỗ “hài hòa các hương vị”.
Món bún bò Nam Bộ cứ thế tồn tại và hiện diện cùng lịch sử những vùng đất như một món ăn “huyền thoại” của phố phường, giục giã người ta đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của nó.
Không giống bún bò Huế với lai lịch “chắc cú” ở doi đất miền Trung, bún bò Nam Bộ “mờ nhòe” và thú vị trong chính lịch sử văn hóa của chính nó.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bun-bo-nam-bo-o-ha-noi-nguoi-bac-hay-nguoi-nam-che-ra-20240618161622497.htm