Theo đó, chỉ cần thay đổi chiều dài sải chân khi đi bộ có thể tăng cường trao đổi chất, đốt cháy nhiều calo hơn và giúp giảm cân tốt hơn, theo tờ Daily Mail.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Massachusetts Amherst, thực hiện, bao gồm 18 người ở độ tuổi 24 và nặng trung bình 70,5 kg.
Đầu tiên, những người tham gia đi bộ trên máy chạy bộ trong 5 phút với độ dài sải chân bình thường. Tiếp theo, họ được hướng dẫn để đi bộ với các bước ngắn hơn hoặc dài hơn 5-10% so với bình thường. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ CO2 – biểu hiện cho cường độ tập luyện và mức độ trao đổi chất của những người tham gia.
Kết quả đã phát hiện ra rằng cứ tăng 1% mức thay đổi chiều dài của bước chân thì lượng calo tiêu hao sẽ tăng 0,7%.
Các chuyên gia tuyên bố: Các kết quả cho thấy bước đi với sải chân không đồng đều làm tăng đáng kể mức độ trao đổi chất khi đi bộ, theo Daily Mail.
Đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia sinh lý học thể dục Adam Grimmitt, tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết: Những thay đổi thường xuyên hơn và lớn hơn về chiều dài sải chân sẽ làm tăng tốc độ trao đổi chất khi đi bộ.
Các nhà nghiên cứu giải thích: Cơ thể phải vận động để đối phó với bước chân từ ngắn đến dài hoặc ngược lại, điều đó có thể làm tăng sự co cơ và mức độ trao đổi chất. Dữ liệu của nghiên cứu cho thấy tăng 2,7% sự thay đổi độ dài bước chân sẽ làm tăng 1,7% mức độ trao đổi chất khi đi bộ.
Như vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong độ dài bước chân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng mức độ trao đổi chất khi đi bộ.
Họ cũng cho biết những phát hiện này là phù hợp nhất với người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh về thần kinh, vì họ thường bước dài ngắn thất thường hơn trong khi đi bộ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng việc thay đổi độ dài bước đi này khó thực hiện ở người khỏe mạnh bình thường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tim-ra-cach-di-bo-giup-dot-chay-calo-hieu-qua-185240618214829622.htm