Không chỉ tập hợp những bài báo đặc sắc của nhà báo Trần Đức Chính – Lý Sinh Sự mà nhiều kỷ niệm, bài học làm báo quý báu từ nhà báo kỳ cựu này được bạn bè đồng nghiệp kể lại đầy trân trọng, thân tình trong cuốn sách Nói hay đừng ra mắt bạn đọc ngày 18-6 tại Hà Nội.
Lý Sinh Sự thuộc “tứ trụ phiếm luận”
Theo nhà báo Trần Đình Thảo – một đồng nghiệp, người bạn của nhà báo Trần Đức Chính, năm 1994, trên mục Nói hay đừng của báo Lao Động bắt đầu xuất hiện cái tên Lý Sinh Sự.
Lý Sinh Sự gắn liền với những bài bình luận theo phong cách “thích gây sự” – dám tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời.
Những bài viết của ông ngoài trên báo Lao Động còn xuất hiện đều đặn trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của một vài tờ báo khác.
Sau này, người ta mới biết Lý Sinh Sự chính là nhà báo Trần Đức Chính (còn có bút danh là Hà Văn, Trần Chinh Đức, Đức Chính), nguyên phó tổng biên tập báo Lao Động, tổng biên tập báo Nhà Báo & Công Luận.
Nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính rằng trong 10 năm đầu gác mục Nói hay đừng, đều như vắt chanh, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, 10 năm khoảng 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí.
Tính cả các bài đăng trên các báo khác, 10 năm ấy ông viết trên dưới 4.000 bài.
Sau khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục viết cho chuyên mục Nói hay đừng thêm 10 năm nữa. Tổng số bài “sinh sự” ông viết khoảng 6.000 bài.
Đó là hàng ngàn bài báo “gây sự” với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống nhưng gây “ghiền” cho không ít bạn đọc.
Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe như vậy, nên ông được phong là “tứ trụ phiếm luận” trong làng báo Việt Nam.
Người thích đùa và những “ngón nghề” làm báo độc đáo
Trong cuốn sách, phần những bài viết của đồng nghiệp về nhà báo Trần Đức Chính cho thấy sự tôn trọng đặc biệt của đồng nghiệp, đặc biệt là lớp hậu bối, dành cho nhà báo này.
Đồng nghiệp không chỉ trọng tài mà còn trọng sự giản dị của một ông “quan báo” không hề “quan báo”, một “người thầy” của nhiều nhà báo trẻ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân rất ấn tượng với tính hài hước thông minh mà không châm chọc của đàn anh.
“Anh là một người thích đùa đúng nghĩa. Chuyện gì anh cũng đùa, cũng tiếu lâm, cũng pha trò được.
Anh có biệt tài làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, làm mềm hóa sự xơ cứng của những đề tài khô khan bằng những câu nói đùa ý nhị.
Đó là nét riêng, phong cách riêng của anh, của chuyên mục Nói hay đừng. Châm biếm mà không chọc giận”, Huỳnh Dũng Nhân viết về Lý Sinh Sự.
Nhà báo Vũ Thu Trà thì rất biết ơn đàn chú Trần Đức Chính về bài học làm báo rất lợi hại mà chị đã học được. Đó là bài học phải biết làm báo trong… nhà vệ sinh.
Nhà báo Vũ Thu Trà kể, thời điểm cuối 1994, máy ghi âm to bằng cả bàn tay, không thể giấu kín khi cần tác nghiệp trong những tình huống đi làm điều tra…
Nhà báo Trần Đức Chính đã bày cách cho nữ đồng nghiệp trẻ: Có những chi tiết, những con số mà không được ghi âm, không được ghi chép lại ngay thì sẽ quên.
Cách hợp lý nhất trong trường hợp đó là xin phép vào nhà vệ sinh rồi tranh thủ ghi lại thông tin.
Cuốn sách Nói hay đừng dày 472 trang, gồm 4 phần, tập hợp các bài báo thuộc nhiều thể loại trong đời viết báo của Trần Đức Chính như tiểu phẩm, phóng sự, ký sự, tản văn; và những bài viết về Trần Đức Chính của các đồng nghiệp.
Theo nhà báo Trần Đình Thảo, các đồng nghiệp biên soạn cuốn sách này đã công bố hết thảy chân dung nghề nghiệp của nhà báo Trần Đức Chính: ông không chỉ là cây bút đặc sắc về thời sự – bình luận mà còn là cây viết phóng sự sắc sảo, viết tản văn tinh tế, duyên dáng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-bao-ly-sinh-su-tu-tru-phiem-luan-noi-hay-dung-lung-danh-mot-thuo-20240618210619733.htm