Khai thác khoáng sản bền vững
Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành và có hiệu lực, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình như Quyết định 3014/QĐ-UBND về “Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản”; Quyết định 1285/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong công tác quản lý khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn.
Các doanh nghiệp được cấp phép trước đó, Sở TN&MT đều yêu cầu phải thăm dò, đánh giá trữ lượng để cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010. Nhiều doanh nghiệp có mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác có đề nghị được mở rộng mỏ nhằm có diện tích đủ rộng để làm đường lên vị trí cao nhất của mỏ, khai thác theo lớp bằng từ cao xuống thấp nhằm đảm bảo an toàn lao động.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, trên toàn tỉnh có 557 khu mỏ, cụ thể: Các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường, đã quy hoạch có 233 mỏ, diện tích khoảng 2.469ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m3; trong đó: Mỏ đất san lấp có 156 mỏ, tài nguyên dự báo 183 triệu m3; Mỏ đất đắp đê: có 17 mỏ, tài nguyên dự báo 26 triệu m3; Mỏ đất sét sản xuất gạch tuynel: có 60 mỏ, trữ lượng 26 triệu m3. Mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường: Có 187 khu mỏ, tài nguyên dự báo khoảng 584 triệu m3; Mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho tỉnh: có 13 khu mỏ, trữ lượng khoảng 649.351 tấn; Cát làm vật liệu xây dựng: Có 124 mỏ, điểm mỏ; với tổng diện tích 571ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3.
Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, nhất là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi.
Đấu giá quyền khai thác để tăng thu ngân sách
Nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động đấu giá đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực khai khoáng. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cụ thể hóa tại Luật Khoáng sản và các Nghị định.
Sở tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch đưa vào đấu giá 28 mỏ cát, sỏi tại các dòng sông, thu về ngân sách địa phương được khoảng 150 tỷ đồng. Ngày 14/7/2021, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đấu giá quyền khai thác khoáng sản 53 mỏ tại Công văn số 10159/UBND-CN trong giai đoạn 2022 – 2025. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá 17 mỏ để đấu giá năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 7 mỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các ngành, địa phương để xây dựng Phương án đấu giá trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc chấp hành lắp đặt trạm cân và camera để giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ để kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo thẩm quyền đối với các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm nhưng không khắc phục; xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng các quy định về quản lý khoáng sản; thu hồi các mỏ đã được cấp phép nhưng nhiều năm chưa đưa vào khai thác. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản…
Để tiếp tục phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, ông Phạm Văn Hoành – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, cần sửa đổi Luật Khoáng sản trong đó chú trọng vào những nội dung cụ thể như: Quy định về Giám đốc điều hành mỏ; Việc cấp phép khai thác khoáng sản trong khu vực dự án đầu tư xây dựng công trình; Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Rút ngắn thời gian cấp phép khai thác khoáng sản đặc biệt là để phụ vụ các dự án giao thông, đê điều, các công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới… các nội dung này càng được rõ ràng hơn, đơn giản hơn sẽ tạo thuận tiện cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác bền vững khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 330 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh đã cấp phép còn hiệu lực, gồm: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 222 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190,0 triệu m3; tổng công suất khoảng 8,25 triệu m3/năm; Cát làm vật liệu xây dựng thông thường: 29 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 7,9 triệu m3; tổng công suất năm 0,757 triệu m3/năm; Đất làm vật liệu san lấp: 45 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 38,0 triệu m3; công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm; Đất san lấp cấp cho dự án đường cao tốc: 2 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 4,4 triệu m2; công suất khoảng 3,788 triệu m3/năm; Quặng sắt, đồng, photphorit: 3 Giấy phép; Đất sét làm gạch, phụ gia sản xuất phân bón: 29 Giấy phép.