Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân vừa ký quyết định giao Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế – Luật đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc.
Đây là ngành học mới lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam và cũng là chương trình đào tạo liên ngành, liên trường đầu tiên của Đại học Quốc gia TPHCM.
Theo học chương trình này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn Quốc, am hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Hàn Quốc, về xu hướng kinh doanh thương mại Hàn Quốc cũng như các kiến thức về quản lý, quản trị hiện đại…
Đặc biệt, hoàn thành chương trình kinh doanh thương mại Hàn Quốc, nếu đáp ứng yêu cầu về số tín chỉ thì sinh viên có thể nhận thêm bằng đại học chính quy ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hoặc bằng đại học chính quy ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế – Luật.
Thông tin từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong bối cảnh Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, 2 quốc gia đều thuộc top 3 đối tác thương mại của nhau, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực liên ngành với kinh doanh thương mại, có năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn, am hiểu về Hàn Quốc và đặc biệt là kinh tế Hàn Quốc, xu hướng kinh doanh thương mại Hàn Quốc… ngày càng cao.
Ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế này.
Ngoài kiến thức nền về chuyên sâu, cử nhân kinh doanh Thương mại Hàn Quốc cũng được trang bị các kỹ năng làm việc, thích ứng tốt với công việc liên quan đến quản trị kinh doanh, kinh doanh trong môi trường quốc tế.
Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc có thể làm việc phù hợp xu hướng toàn cầu hóa của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với đối tác là Hàn Quốc tại trong các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc liên quan tới lĩnh vực kinh doanh thương mại, văn phòng đại diện của Hàn Quốc tại Việt Nam, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh tế, kinh doanh thương mại trung ương và địa phương liên quan đến Hàn Quốc, các tổ chức thương mại quốc tế.
Nhiều vị trí việc làm dành cho cử nhân ngành này như marketing và xúc tiến sản phẩm, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu khách hàng, thông biên dịch, giảng viên, nghiên cứu viên…
Năm đầu tiên đào tạo, ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc tuyển 50 chỉ tiêu, xét tuyển các khối/tổ hợp môn gồm D01 (toán – văn – tiếng Anh), D14 (văn – sử – tiếng Anh), DD2 (toán – văn – tiếng Hàn), DH5 (văn – sử – tiếng Hàn).
Ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc sử dụng 5 phương thức tuyển sinh gồm:
Phương thức 1: Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT); Ưu tiên tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2024 (theo quy định của ĐHQG-HCM);
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo Quy định của ĐHQG-HCM;
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2024;
Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM năm 2024;
Phương thức 5, gồm các cách thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài; ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố; xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao,…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nganh-hoc-lan-dau-tien-duoc-dao-tao-o-viet-nam-thi-truong-dang-khat-20240618105200043.htm