Sáng 18-6, Hội Nhà báo Việt Nam và Thông Tấn Xã Việt Nam khu vực phía Nam tại TP.HCM phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm tranh của nhóm họa sĩ 99 – nhóm những người làm báo, tại TP.HCM.
Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Tham dự triển lãm có ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê – trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM… cùng đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan báo chí.
Khi nhà báo cầm cọ vẽ
Nhóm 99 gồm 8 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đã từng và đang công tác, cộng tác tại các cơ quan báo chí gồm: nhà báo Vũ Kim Sơn, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Tiến Lễ, Ngô Thành Nhân, Đỗ Hương, Nguyễn Hồng Nga và Tiểu Tân.
Trong đó, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ – nguyên giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam khu vực phía Nam – là trưởng nhóm 99.
Anh đã kết nối Hội Nhà báo Việt Nam với Thông Tấn Xã Việt Nam khu vực phía Nam phối hợp tổ chức triển lãm này.
“Nhóm họa sĩ 99 mang ý nghĩa chào mừng 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam” – đại diện ban tổ chức giải thích ý nghĩa tên gọi của nhóm.
Triển lãm hội họa 99 trưng bày hơn 130 tác phẩm với nhiều chủ đề trên nhiều chất liệu khác nhảy như sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa… và bút sắt.
Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến hết 26-6, ở Thông Tấn Xã Việt Nam khu vực phía Nam tại TP.HCM (quận 3, TP.HCM).
Dùng ngôn ngữ thẩm mỹ thay con chữ
Ông Trần Trọng Dũng – phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – cho biết đây là triển lãm tranh đặc biệt của những nhà báo, cộng tác viên có đam mê cầm cọ vẽ.
“Hầu hết các tác giả đến với hội họa khá muộn màng, có những nhà báo chỉ mới sáng tác hai, ba năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu hoặc được bạn bè động viên.
Hai người cao tuổi nhất đã 75 tuổi, nghỉ hưu hơn 10 năm nay. Người trẻ nhất mới 30 tuổi là nữ phóng viên của báo Sài Gòn Giải Phóng, chuẩn bị ra mắt bộ tranh về Trường Sa.
Tranh của các cây cọ từng cầm bút viết báo ít nhiều mang tính thế sự, họ vẽ về đồng nghiệp, về biển đảo, về các phong trào xã hội, song vẫn say mê sáng tác về chân dung, phong cảnh và tĩnh vật…
Nhiều người trong số các tác giả chưa dám nhận mình là họa sĩ mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ nói lên những gì mà con chữ chưa thể nói hết” – ông Trần Trọng Dũng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – cho biết các bức tranh tại triển lãm ấn tượng, có giá trị chiều sâu về nghệ thuật.
Thay mặt cho Thành ủy ông Hải gửi lời chúc mừng, lời tri ân đến các phóng viên, biên tập viên, đã góp phần chung vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thông tin về các nhà báo tham gia triển lãm tranh:
Hoạ sĩ Ngô Thành Nhân từng công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật và là cộng tác viên của nhiều tờ báo.
Họa sĩ Nguyễn Nghiêm từng là phóng viên đài phát thanh quận Tân Bình, giảng viên mỹ thuật công nghiệp Trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ – nguyên giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam khu vực phía Nam, sau khi nghỉ hưu bắt đầu tự học và vẽ tranh.
Nhà báo Vũ Kim Sơn – nguyên phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Giải Phóng.
Nhà báo Đỗ Hương – phóng viên ảnh tạp chí Kiến trúc, trưởng văn phòng báo Thể thao ngày nay tại TPHCM, chủ Gallerry Huong Art Life tại TPHCM.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga – phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, từng là phóng viên ảnh báo Sân khấu TP.HCM và tạp chí Thế giới ảnh.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – từng là phóng viên báo Lao Động, nguyên tổng biên tập tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM).
Nhà báo Tiểu Tân – nhà báo trẻ nhất trong nhóm tác giả (sinh năm 1988), là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trien-lam-hon-130-buc-tranh-cua-nhung-nguoi-lam-bao-me-ve-tranh-20240618121614013.htm