Đây là kịch bản của tác giả Lê Thu Hạnh, từng được đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho Nhà hát cải lương Tây Đô mang tên Mẹ của chúng con.
Với bản cải lương, vở đã lay động được trái tim khán giả, vì vậy, người xem cũng chờ đợi bản kịch của Trịnh Kim Chi mang đến nhiều cảm xúc.
Người mẹ dù ở phía nào cũng nặng nỗi niềm
Hai người mẹ xoay quanh hai người bạn già hàng xóm là bà Sáu (Vân Anh) và bà Tư (Cát Tường).
Bà Sáu là mẹ Việt Nam anh hùng, có chồng và các con đều hy sinh vì nghĩa lớn. Trong khi bà Tư là mẹ của sĩ quan chế độ cũ.
Từ hoàn cảnh éo le đó, vở đã khai thác nỗi đau của hai bà mẹ.
Ở phía nào cũng có những nỗi niềm. Chiến tranh đẩy những phận người vào bi kịch và không thể dùng trắng đen rạch ròi để phân định.
Cuộc chiến đã đi qua, hai bà mẹ đều mất các con. Nỗi đau của họ là nỗi đau chung của những dân tộc phải oằn mình trong khói lửa.
Thế nhưng có những bà mẹ không chỉ đau mà còn mang nặng mặc cảm. Họ cần lắm những sẻ chia, thấu cảm…
Ngoài Vân Anh, Cát Tường, vở còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Nam Cường, Trúc Ly, Võ Ngọc Tân, Phan Thành Vinh, Phạm Yến, Lê Nghĩa…
Trịnh Kim Chi đồng cảm với những người mẹ
Từ vở Rặng trâm bầu đến Hai người mẹ, có thể thấy Trịnh Kim Chi rất chú trọng khai thác hình ảnh người mẹ trong vở diễn cách mạng.
Có nhiều lý do để chị quyết định đạo diễn vở Hai người mẹ. Trong quá trình tìm kiếm kịch bản cho sinh viên thi tốt nghiệp (Trịnh Kim Chi hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM), Trịnh Kim Chi đã đọc được kịch bản của tác giả Lê Thu Hạnh.
Tác phẩm đã khiến chị xúc động. “Kịch bản làm tôi rưng rưng bởi sự cao cả của tình mẹ.
Tình mẹ luôn bao la. Có rất nhiều câu chuyện nói về tình mẹ, nhưng những hy sinh của người mẹ trong chiến tranh luôn đi vào lòng người rất sâu sắc. Gợi cho người ta điểm nhấn, điểm nhớ” – Trịnh Kim Chi bày tỏ.
Lúc đó, các nghệ sĩ thân quen với Trịnh Kim Chi cũng đang tìm kiếm kịch bản để tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 (hiện đang diễn ra tại Thái Nguyên), chị ngay lập tức bàn bạc với mọi người và cả ê kíp thống nhất lên sàn tập Hai người mẹ.
Trịnh Kim Chi cũng cho biết thêm hiện thành phố đang khuyến khích văn nghệ sĩ có những tác phẩm tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước, nên tác phẩm Hai người mẹ cũng là một công trình ý nghĩa trong dịp này.
Là vở thứ hai về đề tài cách mạng nên Trịnh Kim Chi nói rằng chị rút tỉa được khá nhiều kinh nghiệm trong cách dàn dựng, xây dựng tâm lý nhân vật.
Biết cái gì sẽ làm cho khán giả có cảm xúc phải chú tâm vào điều đó.
Sau khi tham dự liên hoan (ngày 19-6) trở về, các nghệ sĩ cố gắng chăm chút, đào sâu nhiều hơn về tâm lý nhân vật để mong vở có thể được hỗ trợ đến với nhiều khán giả, mọi tầng lớp, trong học đường, các cơ quan ban ngành…
Nguồn: https://tuoitre.vn/trinh-kim-chi-dung-kich-ve-nhung-ba-me-trong-cuoc-chien-20240617162448395.htm