Cách thắng của nhà vô địch
Không hề là màn biểu dương lực lượng hay phô diễn sức mạnh hoành tráng của đội bóng được xếp vào vị trí ứng cử viên số một cho chức vô địch, đội tuyển Anh kéo đối thủ Serbia vào trận đấu có phần nhàm chán ở bảng C Euro 2024 tối 16/6.
Thống kê cho thấy, đôi bên chỉ tung ra vỏn vẹn 11 pha dứt điểm (6 của Serbia, 5 của Anh), tức là bình quân gần 10 phút người hâm mộ mới được chứng kiến một pha bắn phá khung thành. Theo Opta, đây là trận đấu có số lượng pha dứt điểm ít thứ hai trong 322 trận đấu của các vòng chung kết Euro, tính từ năm 1980.
Tất nhiên, muốn chê thì vẫn có nhiều điểm để chê màn trình diễn của đội tuyển Anh. Chẳng hạn sự thiếu năng lượng của hàng tiền vệ, sự phụ thuộc vào Bellingham hay cái cách Alexander-Arnold hết lần này đến lần khác khiến đội nhà thót tim vì các pha xử lý phiêu lưu.
Tuy nhiên, chiến thắng dường như luôn nằm chắc trong tay thầy trò HLV Southgate. Cho đến thời điểm ngôi sao Jude Bellingham đánh đầu mở tỷ số, thế trận nằm trong tay Tam sư. Sự áp đảo này thể hiện rõ qua số liệu thống kê. Tuyển Anh tung ra 150 đường chuyền, gấp 10 lần con số 15 đường chuyền khiêm tốn của Serbia.
Đáng nói hơn nữa, đến tận phút thứ 6, Bellingham và các đồng đội mới cho đối phương có đường chuyền chính xác đầu tiên. Không có bóng thì không thể hãm thành chứ đừng nói chuyện ghi bàn. Đó là điều rõ ràng.
Chỉ đến khi đã có bàn thắng, tuyển Anh mới chùng xuống và có phần nhường thế trận cho đối phương. Nhưng, xác suất ghi bàn chỉ 0,18xG của Serbia cho thấy đội bóng này rất ít cơ hội quân bình tỷ số.
Cần nói thêm, đối thủ của thầy trò HLV Southgate không hề dễ bắt nạt. Nếu không vượt trội về đẳng cấp, Tam sư không thể áp chế Serbia theo kiểu như thế.
Mục tiêu quan trọng nhất là chiến thắng và giành 3 điểm, đội tuyển Anh đã đạt được. Tiếp theo, đội bóng này giữ được sức cho các trụ cột và không phải tung ra hết bài vở. Kịch hay còn ở phía trước. Tại các giải đấu lớn, các đội có thực lực thường khởi đầu chậm chạp, lầm lì thay vì bùng nổ.
Đơn cử 4 trong 5 kỳ Euro gần nhất, Hy Lạp (2004), Tây Ban Nha (2008 và 2012), Bồ Đào Nha (2016) đều tiến chậm, thậm chí nhiều thời điểm lung lay, nhưng cuối cùng lại đăng quang. Có lẽ tuyển Anh không còn ngô nghê và với thực lực hiện tại, họ đang thể hiện hình ảnh của nhà vô địch.
Vị thế ông lớn trong hình hài Bellingham
Bellingham là sự khác biệt giữa hai đội. Tiền vệ vừa vô địch La Liga và Champions League cùng Real Madrid dường như chơi bóng ở đẳng cấp vượt trội hoàn toàn. Bàn thắng duy nhất của trận đấu thể hiện tầm vóc của tiền vệ này. Anh nhận bóng ở vòng tròn giữa sân, định hướng tấn công bằng pha mở bóng sang cánh phải rồi lao vào vòng cấm đánh đầu tung lưới Serbia.
Đó là cách làm chủ trận đấu của mẫu tiền vệ con thoi toàn năng. Lothar Matthaus, huyền thoại đã dẫn dắt tuyển Đức vô địch cả châu Âu lẫn thế giới từng làm chao đảo bao sân cỏ là mẫu tự viết kịch bản, tự thực hiện như thế.
Và hôm nay, trên sóng truyền hình, ông thừa nhận nếu có một cầu thủ gợi nhớ đến hình ảnh của ông thì đó là “anh chàng cầu thủ của Real Madrid, Bellingham”.
Không chỉ có thể chất và nguồn năng lượng sung mãn như Matthaus, Bellingham còn cực kỳ khéo léo và uyển chuyển, như cái cách người hâm mộ Madrid vẫn so sánh anh với Zidane.
Hết lần này đến lần khác, anh khống chế bóng khéo léo như chú thiên nga và mở ra những khoảng trống mênh mông. Có cảm tưởng, Bellingham cứ chạm bóng là có tác phẩm nghệ thuật.
Harry Kane mang băng thủ quân, là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Anh, nhưng rõ ràng tiền đạo này đã phải lùi lại để nhường vị trí nhạc trưởng cho Bellingham. Nếu như Kane chỉ có 2 lần chạm bóng trong hiệp 1 thì Bellingham là người chạm bóng nhiều nhất trên sân và giúp Tam sư áp đảo.
Mỗi khi có bóng, tiền vệ 20 tuổi này đều tạo ra sự khác biệt bằng đẳng cấp vượt trội. Điển hình như cú vô lê khiến cả cầu trường trầm trồ rồi người hâm mộ hô vang tên anh. Thống kê cũng chỉ ra Bellingham là cầu thủ thực hiện nhiều đường chuyền nhất ở cuối sân và xếp thứ hai về số pha rê bóng.
Các cầu thủ phòng ngự Serbia chỉ có thể ngăn cản nhạc trưởng của đối phương bằng tiểu xảo hoặc phạm lỗi. Số lần bị phạm lỗi của Bellingham nhiều gấp đôi so với bất kỳ cầu thủ nào khác trong hiệp 1. Đó là chưa kể những tình huống không đưa vào thống kê vì trọng tài chưa kịp cất còi, Bellingham đã bật dậy và tiếp tục lướt đi.
Nhiều ngôi sao chỉ sống động khi có bóng, riêng Bellingham gây ấn tượng kể cả khi không có bóng. Không ai thắng được 4 pha tranh chấp tay đôi trong 45 phút đầu tiên, riêng cầu thủ của Real Madrid thắng 8.
Và điểm đặc biệt nữa ở ngôi sao này là khả năng kích thích sĩ khí. Trước mỗi pha bóng lao vào đối phương, Bellingham luôn hô hào khuấy động đám đông và thể hiện sự hiếu chiến. Khí chất ấy thật hiếm ngôi sao có được.
Đội tuyển Anh sở hữu nhiều ngôi sao trong đội hình, nhưng không ai có được khí chất nhà vô địch như Bellingham đã và đang thể hiện. Tài năng thiên bẩm là yếu tố quan trọng để cầu thủ này tự tin chơi bóng trong mọi tình huống ngặt nghèo.
Song, có lẽ khoác áo Real Madrid cũng giúp cho Bellingham được hun đúc niềm kiêu hãnh của “bậc đế vương”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/jude-bellingham-phong-cach-nghe-thuat-cua-zidane-va-khi-chat-de-vuong-20240617134820230.htm