Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hỗ trợ tích cực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể địa phương mạnh mẽ hơn, giúp các chương trình cho vay ưu đãi thêm hiệu quả.
Hải Dương tăng cường triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW Long An tăng trưởng bền vững từ Chỉ thị số 40-CT/TW |
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhớ lại thời điểm năm 2015 mà ông Trần Văn Hồng, ở khu phố An Quới, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng vẫn rất xúc động khi lần đầu tiên được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. “Lúc đó gia đình tôi thuộc diện khó khăn, việc làm không ổn định, lại thiếu vốn để sản xuất kinh doanh”, ông Hồng nói.
Tuy nhiên, được Ban quản lý khu phố, chi hội Phụ nữ hướng dẫn tham gia tổ Tiết kiệm và vay vốn khu phố An Quới, gia đình ông Hồng được bình xét và hướng dẫn các thủ tục vay vốn chương trình Giải quyết việc làm số tiền 50 triệu đồng.
Cán bộ NHCSXH huyện Châu Thành giải ngân tại điểm giao dịch xã |
Nhận được vốn vay từ NHCSXH, với sự tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, sự tận tình hướng dẫn của các ngành ở địa phương, gia đình ông Hồng đã quyết định đầu tư sản xuất mây tre đan làm các sản phẩm như: bàn, ghế, thang, chõng, kệ xếp… “Với lãi suất vay thấp, không tạo nhiều áp lực trả lãi nên tôi rất an tâm sản xuất sản phẩm, bước đầu sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận và dần có lợi nhuận, đủ để trang trải chi phí, kinh tế gia đình bớt khó khăn”, ông Hồng chia sẻ.
Qua nhiều năm tích lũy gia đình ông Hồng đã mua thêm nhiều máy móc và các phương tiện phục vụ công việc, tạo nguồn thu nhập cơ bản và ổn định cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là các hộ khó khăn không có việc làm ở địa phương, thu nhập hàng tháng của mỗi người lao động từ 5 đến 7 triệu đồng.
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thị xã Trảng Bàng để sản xuất phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên. Đến năm 2023 gia đình ông Hồng đã trả hết khoản vay cũ và được các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thống nhất họp xét đề nghị NHCSXH cho vay lại chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền 100 triệu đồng để mua thêm nguyên liệu tầm vông, tre lá phục vụ cho công việc sản xuất sản phẩm.
Theo NHCSXH chi nhánh tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp trong giai đoạn 2014-2024, NHCSXH đã giúp cho 293.843 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 7.631,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/4/2024 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 2.780 tỷ đồng so với thời điểm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20,0%, với 120.174 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ bình quân hơn 34,7 triệu đồng/hộ tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2014 (dư nợ bình quân năm 2014 là 14,0 triệu đồng/hộ). Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. |
“Với những đồng vốn quý giá ban đầu được vay từ NHCSXH đã tạo điều kiện giúp cho gia đình tôi có vốn sản xuất, cùng với ý chí nỗ lực vươn lên của bản thân, mà gia đình tôi đã thoát được cảnh thiếu trước hụt sau như trước kia”, ông Hồng xúc động nói.
Là đảng viên, lại từng tham gia nghĩa vụ công an nhân dân nên khi xuất ngũ, thay vì đi lên thành phố kiếm việc làm, anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành quyết ở lại quê nhà để phát triển kinh tế. Lúc đầu, anh phụ giúp gia đình làm khoảng 01 ha ruộng để trồng lúa 2 vụ/năm nhưng gia đình vẫn khó khăn. “Trong suy nghĩ, tôi luôn mong muốn có được số vốn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”, anh Minh bộc bạch.
Được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, tuyên truyền, anh Minh đã biết đến chương trình vay vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH. Năm 2017, anh đăng ký xin vay và được ấp, xã bình xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho anh vay vốn từ NHCSXH huyện Châu Thành với số tiền 50 triệu đồng. Sau khi có được số vốn vay từ NHCSXH, anh Minh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua được 2 con bò cái sinh sản và mua 10 con heo giống lai rừng. Nhờ bản thân luôn tích cực tham gia các buổi khuyến nông do xã tổ chức và nhất là nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo của các anh, các chị trong Hội Phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Minh đã thu được nhiều về kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi nên chăm sóc đàn bò và heo ngày càng phát triển.
Sau 1 năm “tài sản” của gia đình anh đã có 4 con bò và đàn heo rừng lai 30 con, trung bình hàng tháng, xuất bán heo rừng lai, trừ đi chi phí, anh Minh thu lãi khoảng 7 triệu đồng nên trả nợ ngân hàng rất nhanh. Năm 2023 do nhu cầu mở rộng chuồng trại, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh Minh mạnh dạn đăng ký và tiếp tục được NHCSXH cho vay 80 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để mở rộng trang trại nuôi heo rừng lai và bò sinh sản. Đến nay anh Minh đã có 2 trại chăn nuôi heo rừng lai tại huyện Châu Thành và huyện Tân Biên.
“Hiện tại tôi có đàn heo rừng lai 50 con và 4 con bò cái sinh sản, hàng trăm con gà thịt thả vườn, hàng tháng cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Trở thành hộ khá của xã Phước Vinh như hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, NHCSXH đã tạo điều kiện cho gia đình vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH rất ý nghĩa với các xã biên giới còn khó khăn, giúp người dân sản xuất, làm ăn có thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh Minh bày tỏ.
Nguồn vốn của NHCSXH giúp gia đình ông Trần Văn Hồng phát triển xưởng mây tre đan hiệu quả |
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, dân số tỉnh Tây Ninh là gần 1,8 triệu người với 322.582 hộ dân, trong đó hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 2.083 hộ, chiếm tỷ lệ 0,65%/tổng số hộ dân (trong đó có: 512 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và 1.571 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,49%). So với năm bắt đầu triển khai Chỉ thị số 40, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh Tây Ninh đã giảm mạnh.
Những kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của Chị thị số 40. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40 cho cán bộ, đảng viên, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân.
Chỉ thị số 40 đã chỉ đạo nhất quán tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng từ Trung ương tới địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội, qua đó các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh và cấp huyện tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách hàng năm, ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để triển khai thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương rà soát các quỹ và vốn có nguồn gốc ngân sách tập trung vào một đầu mối NHCSXH để tập trung quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Ông Đào Anh Tuấn – Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện bộ máy tinh gọn, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị – xã hội.
Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Với phương thức này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách kịp thời, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chi-thi-so-40-cttw-nhan-them-su-hieu-qua-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-152646.html