Tỷ giá trung tâm tăng 8 đồng, chỉ số giảm 7,67 điểm hay đến cuối tháng Năm, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ)… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 10 – 14/6.
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/6 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 5/2024 đã tích cực hơn, cho thấy nhu cầu tín dụng đang có những tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, xét bối cảnh chung, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 vẫn khá khó khăn.
Theo thông tin từ NHNN, đến cuối tháng Năm, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày báo cáo.
Theo các chuyên gia, tín dụng tăng ở mức độ trên là phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để hỗ trợ thúc đẩy tín dụng. Điển hình, NHNN đã ra Văn bản số 10167/NHNN-CSTT ngày 31/12/2023 giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các NHTM ngay từ đầu năm, là cơ sở để các NH chủ động thiết lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và linh hoạt hơn.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05/03/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 và chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 nhằm định hướng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh và đầu tư; đồng thời góp phần giúp các tổ chức tín dụng bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 06/2024, tuy nhiên, để có thêm thời gian giúp các doanh nghiệp trả nợ và các NH trích lập dự phòng đầy đủ, NHNN đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để gia hạn thông tư này đến hết 31/12/2024.
Mới đây, ngày 29/05/2024, NHNN cũng đã có văn bản số 4462/NHNN-CSTT gửi các TCtín dụng yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2% nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay; đồng thời, tập trung tín dụng hướng tới các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trên thực tế, các ngân hàng không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi đối với các nhóm doanh nghiệp khác nhau, mở rộng cơ hội tiếp cận vốn. Đồng thời, các ngân hàng cũng rút ngắn thủ tục, giới thiệu các tính năng mới như giải ngân và phát hành bảo lãnh online… để thúc đẩy tín dụng.
Tuy nhiên, có thể thấy, con số giải ngân tín dụng 327 nghìn tỷ đồng trong gần 5 tháng vẫn khá xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng dự kiến sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Đồng thời, các chuyên gia nhận định, mục tiêu trong nửa đầu năm tín dụng tăng trưởng 5-6%, nghĩa là chỉ còn hơn 1 tháng để tín dụng tăng thêm hơn 3%, là rất khó khả thi. Theo đó, khả năng đạt mục tiêu cả năm cũng vậy, do kinh tế đang phục hồi chậm, cầu vốn tín dụng chưa cao, sức mua trên thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, tâm lý chung của các tổ chức tín dụng là vẫn phải rất thận trọng, đảm bảo an toàn cho từng khoản vay. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang trên đà tăng nhanh, vượt ngưỡng quy định, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống sâu dưới ngưỡng 100%, cho thấy các ngân hàng phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.
Về lãi suất, thời gian tới, chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ đi ngang hoặc có thể tăng nhẹ ở một số thời điểm khi cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho biết sẽ cố gắng ổn định lãi suất cho vay để thu hút doanh nghiệp.
Tóm lược thị trường trong nước từ 10 – 14/6
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 10 – 14/6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 14/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.249 VND/USD, tăng nhẹ 08 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua – bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 10 – 14/6 biến động nhẹ. Kết thúc phiên 14/06, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.454 VND/USD, tăng 54 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng trở lại trong tuần qua. Chốt phiên 14/6, tỷ giá tự do tăng 150 đồng ở chiều mua vào và 140 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.730 VND/USD và 25.810 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 10 – 14/6, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở hầu hết các phiên ngoại trừ giảm khá mạnh phiên cuối tuần với tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 14/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,45% (+0,35 điểm phần trăm); 1 tuần 4,58% (+0,20 điểm phần trăm); 2 tuần 4,73% (+0,21 điểm phần trăm); 1 tháng 4,90% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 14/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,27% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 5,33% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 5,39% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,41% (-0,02 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua từ 10 – 14/6, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 5.106,84 tỷ đồng trúng thầu và 12.905,41 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 7.350 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,25%; có 6.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 9.148,57 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 5.106,84 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 68.710 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu ngày 12/6, Kho bạc nhà nước gọi thầu thành công 5.570 tỷ đồng/8.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương ứng tỷ lệ trúng thầu đạt 66%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt 1.000 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 70 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Các kỳ hạn 15 năm và 20 năm gọi thầu lần lượt 2.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên đều không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,83% (+0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,74% (+0,08 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,10% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 19/06, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 5.000 tỷ đồng, 15 năm 1.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.276 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với mức 16.774 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 14/06, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,86% (-0,004 điểm phần trăm so với phiên tuần trước); 2 năm 1,88% (-0,004 điểm phần trăm); 3 năm 1,90% (-0,004 điểm phần trăm); 5 năm 1,97% (-0,03 điểm phần trăm); 7 năm 2,28% (-0,02 điểm phần trăm); 10 năm 2,79% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,99% (-0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,19% (-0,002 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong tuần từ 10 – 14/6, thị trường chứng khoán tăng điểm các phiên đầu tuần nhưng giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 14/06, VN-Index đứng ở mức 1.279,91 điểm, giảm 7,67 điểm (-0,60%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 1,02 điểm (-0,42%) còn 243,97 điểm; UPCom-Index rớt 0,81 điểm (-0,82%) về mức 98,05 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 26.300 tỷ đồng/phiên, cải thiện nhẹ so với mức 24.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 4.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) dự báo kinh tế thế giới có thể hạ cánh mềm, song đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ ở mức cao trong thời gian dài. Trong báo cáo công bố ngày 11/06, WB dự báo GDP toàn cầu tăng 2,6% trong 2024 (+0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1) và 2,7% trong năm 2025 (không đổi).
Trong dự báo này, tại các nền kinh tế phát triển, GDP tại Mỹ 2024 được điều chỉnh mạnh lên 2,5% (+0,9 điểm phần trăm), và lên 1,8% trong năm sau (+0,1 điểm phần trăm); GDP Eurozone lần lượt tăng 0,7% (không đổi) và 1,4% (-0,2 điểm phần trăm); GDP Nhật Bản lần lượt tăng 0,7% (-0,2 điểm phần trăm) và 1,0% (+0,2 điểm phần trăm). Tiếp theo, tại các nền kinh tế đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,8% trong năm nay (+0,3 điểm phần trăm) và 4,2% trong năm sau (-0,2 điểm phần trăm); Ấn Độ tăng 6,6% (+0,2 điểm phần trăm) và 6,7% (+0,2 điểm phần trăm). Trong khu vực Đông Nam Á: Indonesia lần lượt tăng 5,0% (+0,1 điểm phần trăm) và 5,1% (+0,1 điểm phần trăm); Thái Lan tăng 2,4% (-0,8 điểm phần trăm) và 2,8% (-0,3 điểm phần trăm).
Đối với Việt Nam, WB dự báo GDP tăng 5,5% trong năm nay và 6,0% trong năm 2025, cùng không đổi so với dự báo trước đó. WB cho rằng, kinh tế toàn cầu đang ổn định trở lại sau nhiều năm với những cú sốc tiêu cực. Tuy nhiên, đà giảm của lạm phát nhìn chung đang có xu hướng chậm lại, khiến ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi có thể duy trì sự thận trọng, mặt bằng lãi suất cao sau đại dịch sẽ kéo dài hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, WB cảnh báo căng thẳng địa chính trị leo thang có thể dẫn đến biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt trong thời kỳ chính sách thương mại giữa các quốc gia trở nên không chắc chắn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo kinh tế, lạm phát và đường đi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng Sáu, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong phiên họp vừa diễn ra ngày 12/06, Fed cho rằng các hoạt động kinh tế trong thời gian gần đây vẫn mở rộng với tốc độ vững chắc. Lạm phát đã giảm bớt trong một năm vừa qua nhưng vẫn ở mức cao. Tiến độ đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0% trong những tháng gần nhất cho thấy sự khiêm tốn hơn so với trước.
Theo dự báo bình quân của Fed, trong năm 2024 và 2025, tốc độ tăng GDP của My sẽ lần lượt ở mức 2,1% và 2,0% (cùng không thay đổi so với dự báo tháng 3); tỷ lệ thất nghiệp lần lượt là 4,0% (không đổi) và 4,2% (+0,1 điểm phần trăm); chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE toàn phần lần lượt là 2,6% (+0,2 điểm phần trăm) và 2,3% (+0,1 điểm phần trăm), PCE lõi là 2,8% (+0,2 điểm phần trăm) và 2,3% (+0,1 điểm phần trăm).
Quan trọng hơn, Fed dự báo lãi suất chính sách sẽ ở mức khoảng 5,1% ở cuối năm 2024 (+0,5 điểm phần trăm) và 4,1% năm 2025 (+0,2 điểm phần trăm). Điều này có nghĩa rằng sẽ chỉ có một lần cắt giảm lãi suất chính sách duy nhất trong năm 2024, ít hơn so với 3 lần cắt giảm theo dự báo trước.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu cho biết cơ quan này không tự tin về việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên cũng không còn ý kiến nào cho rằng cần phải tăng thêm lãi suất chính sách trong tương lai.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ lần lượt đi ngang và tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng Năm, giảm tốc so với kết quả cùng tăng 0,3% ở tháng Tư, đồng thời thấp hơn dự báo lần lượt tăng 0,1% và 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tăng 3,3% và CPI lõi tăng 3,4%.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI và PPI lõi tại Mỹ lần lượt giảm 0,2% so với tháng trước và đi ngang trong tháng Năm sau khi cùng tăng 0,5% ở tháng trước đó, đồng thời cùng yếu hơn so với dự báo lần lượt tăng 0,1% và 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần và PPI lõi lần lượt tăng 2,2% và 3,2%, không thay đổi nhiều so với mức tăng 2,3% và 3,2% theo kết quả thống kê tháng Tư.
Cuối cùng, Đại học Michigan khảo sát chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 65,6 điểm trong tháng 6, giảm từ 69,1 điểm của tháng Năm và trái với dự báo tăng lên 72,1 điểm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-10-146-152653-152653.html