Cần có quy định về loại trừ, miễn trách nhiệm
Thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thực hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới chưa được pháp luật quy định hoặc có quy định của pháp luật nhưng không còn phù hợp nên nếu phải áp dụng toàn bộ các quy định hiện hành của pháp luật thì sẽ không thể thực hiện được.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc giao HĐND Thành phố được quyền quyết định cho miễn áp dụng quy định của pháp luật; làm rõ việc được miễn trách nhiệm của các bên liên quan và quy định cụ thể trong luật này.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể phát huy được hiệu quả trên thực tế, bảo đảm tính khả thi, tạo sự chủ động cho Hà Nội thì cần cho phép HĐND Thành phố, trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát, có quyền cho miễn áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm như tại khoản 5 Điều 25 của dự thảo Luật.
Đồng thời, đây là các nội dung mới, chưa có tiền lệ, lần đầu được triển khai nên mức độ rủi ro thường khá cao, nhiều vấn đề chưa có thực tiễn, chưa thể lường hết được nên nếu không có các quy định về loại trừ, miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan thì không thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện các nội dung được thử nghiệm thì cũng cần được áp dụng các quy định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Cần có hành lang pháp lý phù hợp để cán bộ yên tâm, chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các cơ chế quản lý có tính chất đổi mới, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được phát triển, hiện thực hóa, mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho xã hội.
Do đó, trên cơ sở tham khảo, nâng cấp các quy định của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, dự thảo luật đã được chỉnh lý lại theo hướng quy định về việc loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát, giám sát, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.
UBND TP công bố danh mục lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích
Liên quan quyền hạn và trách nhiệm, dự thảo luật quy định UBND Thành phố quyết định, công bố danh mục lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đăng ký thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; cấp phép và ban hành quy chế thử nghiệm riêng cho từng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được phép thử nghiệm; quyết định điều chỉnh phạm vi thử nghiệm, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm.
Cùng với đó tổ chức hướng dẫn và kiểm soát quá trình thử nghiệm; tham vấn bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung thử nghiệm về đối tượng, phạm vi đề xuất thử nghiệm có kiểm soát và các vấn đề phát sinh trong quá trình thử nghiệm nếu thấy cần thiết.
Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm cho ý kiến đối với các nội dung mà Ủy ban nhân dân Thành phố có yêu cầu tham vấn.
UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố cho phép miễn áp dụng một số quy định của pháp luật để phục vụ yêu cầu thử nghiệm trước khi cấp phép thử nghiệm. Báo cáo về nội dung, phạm vi, đối tượng được miễn áp dụng quy định của pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định đó để theo dõi, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước;
Hằng năm, UBND Thành phố báo cáo Chính phủ, HĐND Thành phố về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát do mình cấp phép; kiến nghị mở rộng phạm vi thực hiện thử nghiệm ngoài địa bàn Thành phố và các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực, nội dung có liên quan.
Dự thảo quy định, thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm./.
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-cho-ha-noi-lam-sao-de-can-bo-dam-lam-post1100936.vov