Do đó, việc nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là yêu cầu quan trọng để từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.
Là người dân sinh sống tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, chị Trần Thu Hương cho biết: “Rất nhiều hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tại các ki-ốt, khu chợ dân sinh, chợ sinh viên, như: Quần áo, giày dép nhãn hiệu Gucci, Nike, Adidas. Một số loại hóa mỹ phẩm, nước hoa như Lancome, Dior xuất hiện tràn lan với giá rẻ bất ngờ. Tất cả đều được đặt làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ. Do vậy, để phòng, chống hàng giả thì người dân nên mua sắm hàng hóa ở những cơ sở bán hàng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
Trước bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Bên cạnh việc theo dõi, kiểm tra, xử lý các vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tới các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và các tiểu thương có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Do đó, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, kế hoạch nêu rõ công tác thông tin tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn TP Hà Nội. Phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại đối với các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời phản ánh kịp thời những vụ việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Qua đó thông tin, cảnh báo đến người dân tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm; nâng cao nhận thức của nhân dân Thủ đô về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này. Cục QLTT TP Hà Nội đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; những vụ việc do các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Bên cạnh vai trò chủ công của lực lượng chức năng, quần chúng nhân dân chính là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng. Vì vậy, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Thông tin tuyên truyền phải chính xác, kịp thời, hình thức đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với phần lớn nhân dân Thủ đô; giảm tác động tiêu cực; đấu tranh, phản bác các thông tin tiêu cực và sai lệch.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG ANH