Bài viết là lời chia sẻ của Kiến Hạo, sống ở Hồ Bắc (Trung Quốc). Sau khi đăng tải lên Toutiao, câu chuyện của anh đã nhận được sự đồng cảm.
Tôi là Kiến Hạo, sống tại vùng nông thôn hẻo lánh ở Hồ Bắc, xung quanh là núi bao phủ. Cha mẹ tôi đều là nông dân, quanh năm “chân lấm tay bùn”, gia đìn khá khó khăn. Tôi là con thứ 2 trong gia đình 3 người con. Anh em chúng tôi có cuộc sống khá vất vả, cơm không đủ ăn, thường phải ăn cơm độn kèm khoai sắn. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới được ăn thịt hoặc ăn trứng. Cũng vì sống trong cảnh “thiếu trước hụt sau” nên bố mẹ tôi thường xảy ra cãi vã.
Năm tôi 10 tuổi, bố tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh, gia đình mất đi trụ cột kinh tế, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ tôi. Ngày nào mẹ cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm, khi trời còn tờ mờ và kết thúc công việc đồng áng, việc gia đình vào đêm muộn.
Hai năm sau, mẹ tôi tìm hiểu một người đàn ông, sau này là bố dượng của anh em tôi. Bố dượng rất cao lớn, nước da nâu khoẻ khoắn, đôi mắt sáng, niềm nỏ và dễ gần. Ông làm việc tại nhà máy cùng với dì tôi. Ông là người nước ngoài, đến Hồ Bắc làm việc từ nhiều năm trước, hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả.
Một lần đến công ty giao nông sản cho bộ phận nhà bếp, tình cờ mẹ tôi gặp bố dượng và 2 người chính thức hẹn hò, đi tới kết hôn. Mẹ không ngại việc ông không dư giả nhiều, bà chỉ đưa ra một điều kiện với là mong ông ổn định cuộc sống ở địa phương và giúp đỡ bà nuôi 3 đứa con.
Khi bố dượng về nhà sống với 3 mẹ con tôi, quanh làng rộ lên những lời bàn tán. Họ đơm đặt đủ điều, soi mói và phán xét gia đình tôi. Nhưng bố dượng không quan tâm đến những lời không hay, luôn vui vẻ, xởi lởi với mọi người. Tôi khâm phục ông ở điểm này.
Ngày nào sau khi tan làm ở công ty, bố dượng cũng phụ mẹ tôi công việc đồng áng hoặc việc nhà. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ông đều cùng mẹ tôi gánh vác. Từ ngày bố dượng tới sống cùng, mẹ tôi trở nên hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều vì có người bầu bạn. Mọi lời nói, hành động của bố dượng đều thể hiện tình yêu thương của ông dành cho mẹ tôi.
Dù không sinh ra 3 anh em chúng tôi nhưng ông có công nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông coi chúng tôi như con của mình. Dù ông rất tốt nhưng khi mới về nhà, anh trai của tôi không thích ông, luôn có những thái độ và hành động thiếu lễ phép. Thế nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa bao giờ thấy ông tức giận.
Một lần, anh trai đánh nhau với bạn học, bố dượng biết chuyện bèn đến tận lớp để giải quyết, trao đổi với thầy cô, phụ huynh của người đánh anh tôi. Tôi không rõ bố đã nói gì nhưng sau hôm đó, anh trai tôi đã thay đổi thái độ, không còn tỏ vẻ chán ghét bố.
Bố dượng chuyển tới khiến cuộc sống bị đảo lộn ít nhiều
Khi tôi học năm đầu trung học cơ sở, gia đình tôi chuyển lên thị trấn. Bố dượng ôn tồn: “Chất lượng giảng dạy ở các trường trung học cơ sở trong thị trấn kém xa so với trong huyện. Vì việc học hành của ba đứa con, chúng tôi nên chuyển lên thành phố sẽ tốt hơn”.
Còn mẹ tôi cho rằng: “Tuy chi phí cao nhưng việc học hành của con cái là quan trọng nhất. Dù nghèo đến đâu, bố mẹ cũng không thể ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Sau này các con còn phải thi cấp 3 và đại học, nên cần có tầm nhìn dài hạn”.
Đây là cuộc trò chuyện mà tôi tình cờ nghe được. Thực ra, bố dượng của tôi đã có ý định chuyển vào thị trấn. Sau khi gia đình 5 người chúng tôi chuyển đến thị trấn, chúng tôi sống trong một ngôi nhà 2 tầng, trong đó có 1 tầng là tầng hầm, tuy diện tích không lớn nhưng cũng vừa đủ để ở.
Để duy trì kế sinh nhai của gia đình, bố dượng bắt đầu kinh doanh nhỏ. Ông đạp xe chở hàng qua các con phố nhỏ để bán rất nhiều thứ lặt vặt như thực phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo. Nhưng công việc không suôn sẻ nên ông chuyển sang giao đồ ăn cho các công nhân tại công trường.
Có lần tình cờ tới nơi bố làm việc, tôi mới thấy hết sự khó khăn, vất vả, nguy hiểm của ông khi cố gắng kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ông quả là một người tốt bụng, bao dung, nỗ lực, hiếm khi tôi thấy ông than thở về những thăng trầm.
Không lâu sau đó, bố dượng vô tình bị ngã từ một chiếc kệ trên tầng hai và bị gãy xương. Ông nằm ở nhà suốt 3 tháng trước khi cơ thể dần hồi phục. Sau khi khoẻ lên, ông lại đòi đến công trường tiếp tục làm việc.
Một thời gian sau, bố mẹ tôi thuê lại rất nhiều ruộng đất để đào ao nuôi cá, trồng rau, ngô, mía,… để bán cho các tiểu thương. Bố mẹ bắt đầu học cách trồng ray trong nhà kính. Họ làm việc miệt mài, không quản ngày đêm để nhặt nhạnh từng đồng. Dần dần, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn.
Bố mẹ không chỉ có tiền nuôi 3 anh em chúng tôi ăn học mà còn sửa sang lại ngôi nhà cũ ở quê, chuyển đến một nhà mới ở thị trấn. Năm đó, khi tôi và người em song sinh cùng đỗ Đại học top đầu, bố tôi vui mừng đến mức mời mọi người trong làng dù không thân thiết đến ăn mừng, uống rượu.
“Mai này các con hãy nỗ lực học để có cuộc sống bớt vất vả nhé. Chỉ cần con sống tốt, bố mẹ thấy đó là món quà to lớn nhất”, tôi vẫn nhớ những gì ông nói trong buổi tiệc hôm đó.
Yêu thương con vợ như con đẻ
Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, bố dượng đã ngoài 70 tuổi và phần lớn tóc của ông đã bạc. Ông và mẹ tôi cũng không còn phải nặng gánh mưu sinh, có thể thảnh thơi sống hạnh phúc bên nhau về già. Chúng tôi bảo bố mẹ bán ruộng đất, nghỉ ngơi để đỡ vất vả. Nhưng ông không yên tâm: “Các con còn lo công việc, dựng vợ gả chồng, hơn nữa bố mẹ vẫn khoẻ nên có thể tiếp tục làm việc”.
Khi em gái tôi lấy chồng, bố dượng đã cho em tôi 400 triệu đồng làm của hồi môn, kèm vàng cưới. Trong ngày trọng đại, ông rơm rớm nước mắt: “Con gái, khả năng của bố có hạn nhưng bố sẽ luôn cố gắng bảo vệ con”. Nghe đến đây, ai cũng rơi nước mắt vì xúc động.
Còn anh cả và tôi cũng được bố cho chút tiền vốn làm ăn, cuộc sống tạm ổn định. Mẹ tôi là người có nhiều thay đổi rõ rệt nhất. Bà từ người phụ nữ cam chịu, luôn hy sinh, cam chịu, sống khắc khổ thì giờ trông trẻ trung, hạnh phúc lên trông thấy. Bố dượng tôi không để bà làm việc nặng nhọc, luôn quan tâm, san sẻ khó khăn với bà. Trước đây khi bố đẻ tôi chưa mất, bà gần như phải gánh vác mọi điều, lo toan mọi chuyện nhưng giờ, bà đã có bờ vai vững chắc để dựa vào.
Cuộc sống bình yên trôi qua, đến một ngày, mẹ tôi đi khám định kỳ phát hiện bi ung thư gan, không còn nhiều thời gian nữa. Bố dượng lại tất tưởi chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện để chăm sóc bà, động viên bà mỗi đợt truyền hoá trị. Ngay cả chúng tôi là con đẻ cũng không thể dành nhiều thời gian cho bà như ông vì bận rộn công việc. Chứng kiến cảnh ấy, tôi rưng rưng nước mắt.
Chỉ 6 tháng sau khi phát hiện bệnh tình, mẹ tôi qua đời. Sau khi mẹ mất, 3 anh em tôi thấy bố dượng thu dọn va li, ngỏ ý muốn về quê. “Mẹ các con không còn trên đời nữa, bố ở lại đây có lẽ không hay”, ông buồn rầu nói. Cả 3 anh em chúng tôi đều không đồng ý vì bố ở với chúng tôi suốt thời gian dài, vất vả nuôi chúng tôi nên người, dạy chúng tôi điều hay lẽ phải. Từ lâu, 3 anh em chúng tôi đã coi ông như bố ruột vậy.
Từ đó về sau, chúng tôi quây quần bên bố ở tuổi già. Kể cả khi có gia đình riêng, chúng tôi vẫn thường về quê thăm dưỡng bố. Vừa rồi, thấy bố già yếu, tôi đã đón bố lên thành phố ở cùng vợ chồng tôi. Nhìn thấy bố hạnh phúc bên con cháu, tôi mừng rơi nước mắt. Cảm ơn bố vì không sinh ra 3 anh em tôi nhưng luôn hết lòng nuôi dạy chúng tôi.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bo-qua-doi-me-di-buoc-nua-bo-duong-ngoai-60-tuoi-nang-nhoc-muu-sinh-nuoi-3-anh-em-toi-cuoi-cung-cung-co-ngay-hai-trai-ngot-172240614083721879.htm