Cơ quan Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc (NCHA) hôm 13.6 cho biết một nhóm các nhà khảo cổ học trục vớt được hơn 900 hiện vật từ 2 vụ đắm tàu cổ, lần lượt được gọi là tàu số 1 và tàu số 2 ở khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), theo South China Morning Post.
Hai địa điểm trục vớt xác tàu cách nhau khoảng 22 km tại đảo Hải Nam. Chúng được phát hiện vào tháng 10.2022 bởi thủy thủ đoàn của một tàu ngầm nghiên cứu có người lái.
Trung Quốc phát hiện kho báu trên tàu đắm thời nhà Minh
NCHA tiết lộ rằng 890 đồ vật đã được trục vớt, bao gồm đồ sứ, đồ gốm và tiền xu trong vụ đắm tàu số 1. Các nhà nghiên cứu cho biết hàng hóa trên tàu có nguồn gốc từ thủ đô sứ Jingdezhen và nhằm mục đích xuất khẩu.
Tổng cộng có 38 hiện vật được trục vớt từ vụ đắm tàu số 2, bao gồm các khúc gỗ mun, đồ sứ, đồ gốm, vỏ sò và gạc. Con tàu này đang quay trở lại Trung Quốc thì bị chìm, theo một bài báo trên Trung tâm Khảo cổ học quốc gia Trung Quốc hồi tháng 10.2023.
Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ biển sâu để điều tra các địa điểm của triều đại nhà Minh trên sườn lục địa phía tây bắc Trung Quốc ở độ sâu 1,5 km theo 3 giai đoạn trong năm qua. Một máy quét laser 3D và camera độ phân giải cao cũng được sử dụng để ghi lại sự phân bố của các khu vực tàu đắm.
Các nhà khảo cổ cho biết họ tin rằng những vụ đắm tàu buôn đến từ các thời kỳ khác nhau trong triều đại nhà Minh (1368 – 1644). Phó giám đốc NCHA Guan Qiang cho biết: “Việc phát hiện 2 vụ đắm tàu là bằng chứng quan trọng về trao đổi thương mại và văn hóa dọc theo con đường tơ lụa trên biển cổ đại”. Theo NCHA, những phát hiện này là một cột mốc quan trọng trong ngành khảo cổ học đại dương của Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-phat-hien-kho-bau-tren-tau-dam-thoi-nha-minh-185240614165614795.htm