Sau hơn 5 tháng khởi công, cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận thuộc dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) chưa thể thi công do chưa có mặt bằng.
Chưa thể thi công đồng loạt
Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đầu tư xây dựng 11 cầu, trong đó xây mới chín cầu, cải tạo một cầu, tháo dỡ một cầu trên địa bàn tỉnh Long An, Bến Tre, Cần thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Vĩnh Long.
Tổng mức đầu tư các cầu này khoảng 2.155 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2024. Ban quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) là chủ đầu tư.
Tại Cần Thơ, dự án xây dựng mới cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận. Theo kế hoạch, cuối năm 2025, các công trình này phải hoàn thành. Thế nhưng đến nay, các nhà thầu vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng.
Đặc biệt, tại khu vực cầu Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận không thể triển khai vì không có mặt bằng.
Ghi nhận tại hiện trường thi công cầu Ô Môn, máy móc thiết bị đã được tập kết. Tuy nhiên công trường không hoạt động.
“Để xây dựng cầu Ô Môn, nhà thầu phải xây dựng cầu tạm, sau đó phá dỡ cầu cũ. Theo phương án, cầu tạm sẽ được xây dựng ở bên trái cầu, nhưng lại vướng chín ngôi mộ.
Theo phong tục, việc di dời này người dân thực hiện vào khoảng tháng 3. Nếu vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Vì vậy quận Ô Môn đề xuất giải pháp thực hiện cầu tạm ở bên phải của tuyến, nhà thầu chấp thuận điều chỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thi công cầu tạm do bên phải tuyến lại vướng đường dây điện 220V và 110V.
Dự kiến đến tháng 7/2024 sẽ di dời. Sau khi hoàn tất việc di dời thì chúng tôi mới có thể thi công”, đại diện Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 873 (nhà thầu) giải thích.
Còn tại khu vực cầu Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận, ngay cả việc tập kết vật tư, thiết bị cũng không thể thực hiện bởi không có mặt bằng.
“Hiện nay, ngành chức năng huyện Thới Lai đang triển khai việc kiểm đếm. Dự kiến cuối tháng 8 mới hoàn thành việc áp đơn giá bồi thường. Các thủ tục còn lại chưa có mốc thời gian hoàn thành cụ thể.
Không có mặt bằng nên nhà thầu không thể tiếp cận để thi công. Tình hình hiện tại ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành bốn cây cầu này.
Chúng tôi rất mong địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu”, đại diện Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 873 nói.
Ảnh hưởng tiến độ
Ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường thủy cho biết, tổng diện tích đất cần thu hồi thực hiện 11 cầu hơn 15 hec-ta với 623 hộ bị ảnh hưởng.
Trong đó, Đồng Tháp hơn 5 hec-ta với 181 hộ, Long An hơn 1 hec-ta với 81 hộ, Bến Tre 3,5 hec-ta với 113 hộ, Kiên Giang hơn 1,6 hec-ta với 50 hộ.
Hiện các địa phương đã bàn giao 27% mặt bằng, nhà thầu đã tiếp cận toàn bộ để thi công.
Riêng thành phố Cần Thơ, tổng diện tích đất cần phải thu hồi để thực hiện bốn cầu trên là hơn 3 hec-ta với khoảng 198 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có khoảng 25 hộ trên địa bàn huyện Thới Lai dự kiến phải tái định cư.
“Phần diện tích còn lại của 11 cây cầu chưa thu hồi là 11,54 hec-ta. Hiện nay Bến Tre, Long An, Kiên Giang đã trình phương án bồi thường, chờ phê duyệt. Đồng Tháp đang hoàn thiện thẩm định giá và trình phương án.
Riêng huyện Thới Lai thuộc thành phố Cần Thơ triển khai chậm, đến nay đang lựa chọn tư vấn thẩm định giá đất”, ông Bảo thông tin thêm.
Theo phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường thuỷ, việc chậm thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật các địa phương chậm rất nhiều so với kế hoạch nên việc huy động, triển khai thi công bị ảnh hưởng rất lớn.
Trước mắt, chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình đã được bàn giao mặt bằng.
Đồng thời tiếp tục tăng cường, phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/du-an-nang-tinh-khong-cac-cau-o-can-tho-phai-cho-mat-bang-hon-5-thang-192240613181434347.htm