Ngày 12/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, nhưng ông cho biết Hamas đã yêu cầu nhiều thay đổi và nói thêm rằng “một số thay đổi có thể thực hiện được, một số thì không”. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng công khai tranh luận về các khía cạnh của kế hoạch.
Những tuyên bố gần đây của các quan chức Israel và Hamas cho thấy họ vẫn bị chia rẽ về nhiều vấn đề giống nhau mà các nhà hòa giải đã cố gắng giải quyết trong nhiều tháng.
Kết thúc xung đột
Người phát ngôn của Hamas, Jihad Taha, cho biết hôm 12/6 rằng những “sửa đổi” mà Hamas yêu cầu là đảm bảo một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và sự rút quân hoàn toàn của Israel.
Hamas khẳng định sẽ không thả những con tin còn lại trừ khi có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và lực lượng Israel rút toàn bộ khỏi Gaza. Cả hai điều kiện này đều có trong đề xuất mới nhất mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng trước.
Tuy nhiên, ông Netanyahu cho biết Israel vẫn cam kết tiêu diệt khả năng điều hành và quân sự của Hamas, đồng thời đảm bảo lực lượng này không bao giờ có thể thực hiện một cuộc tấn công như ngày 7/10 nữa. Việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Gaza gần như chắc chắn sẽ khiến Hamas kiểm soát lãnh thổ và có thể tái vũ trang.
Điều đó một phần là do Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch quản lý Gaza sau xung đột và đã bác bỏ đề xuất của Mỹ vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong khu vực vì nó có thể đạt tiến bộ lớn trong việc thành lập một nhà nước Palestine.
Tiến tới giai đoạn 2 của đề xuất
Trong giai đoạn đầu của kế hoạch ngừng bắn kéo dài 6 tuần, Hamas sẽ thả một số con tin, bao gồm cả phụ nữ, người già và người bị thương, để đổi lấy việc Israel rút quân khỏi các khu vực đông dân cư. Thường dân Palestine sẽ có thể trở về nhà của họ và viện trợ nhân đạo sẽ được tăng cường.
Nhưng sau đó mọi thứ trở nên phức tạp. Hai bên dự kiến sử dụng khoảng thời gian 6 tuần đó để đàm phán về giai đoạn thứ hai, mà ông Biden cho biết sẽ bao gồm việc thả tất cả các con tin còn sống còn lại và việc Israel rút toàn bộ khỏi Gaza. Lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ trở thành vĩnh viễn.
Tuy nhiên, Hamas tỏ ra lo ngại rằng Israel sẽ tiếp tục xung đột ngay cả khi các con tin dễ bị tổn thương nhất được trao trả. Hoặc không, Israel có thể đưa ra những yêu cầu không nằm trong thỏa thuận ban đầu và không được Hamas chấp nhận, và sau đó tiếp tục xung đột khi Hamas từ chối chúng.
Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan cho biết Israel sẽ yêu cầu trong các cuộc đàm phán đó rằng Hamas phải bị loại bỏ quyền lực. Ông nói: “Chúng tôi không thể đồng ý để Hamas tiếp tục cai trị Gaza vì khi đó Gaza sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với Israel”.
Israel cũng tỏ ra cảnh giác với điều khoản trong kế hoạch là lệnh ngừng bắn ban đầu sẽ được kéo dài miễn là các cuộc đàm phán tiếp tục trong giai đoạn thứ hai. Ông Erdan nói rằng điều đó sẽ cho phép Hamas “tiếp tục các cuộc đàm phán vô tận và vô nghĩa”.
Giải quyết mối ngờ vực giữa hai bên
Có những vấn đề khác ảnh hưởng đến các nỗ lực ngừng bắn, bắt đầu từ sự thiếu tin tưởng hoàn toàn giữa Israel và Hamas, vốn đã trải qua 5 cuộc chiến và cam kết tiêu diệt lẫn nhau.
Sau đó là những áp lực mạnh mẽ và trái ngược nhau đối mà ông Netanyahu phải đối mặt. Hàng nghìn người Israel, bao gồm cả gia đình các con tin, đã biểu tình trong những tháng gần đây để yêu cầu chính phủ đưa những người bị bắt giữ về nước, bất chấp việc phải trả giá bằng một thỏa thuận không đồng đều với Hamas.
Nhưng các đối tác cực hữu trong liên minh ngày càng hẹp của ông Netanyahu đã bác bỏ kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn và đe dọa sẽ lật đổ chính quyền của ông Netanyahu nếu ông kết thúc cuộc chiến mà không tiêu diệt được Hamas.
Đối với Israel, việc từ bỏ cuộc đàm phán có thể đồng nghĩa với việc phải bỏ rơi nhiều con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza. Đối với Hamas, việc từ bỏ đàm phán sẽ kéo dài sự đau khổ của người Palestine ở Gaza và giúp Israel có thêm thời gian để tiêu diệt phiến quân.
Hoài Phương (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-vuong-mac-chinh-trong-de-xuat-ngung-ban-giua-israel-va-hamas-post299118.html